Các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có hiệu quả

Cập nhật ngày: 08/01/2023 17:59:32

ĐTO - Năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh liên quan đến việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở (QCDCƠCS), gắn với mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Người dân hài lòng về công tác giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực trật tự xã hội của Công an Phường 1, TP Cao Lãnh

Theo đó, cấp ủy xã, phường, thị trấn tiếp tục lãnh đạo thực hiện Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi vào nền nếp theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Công khai lấy ý kiến người dân về các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, liên kết sản xuất. Đặc biệt, công tác cải cách thủ tục hành chính được chỉ đạo thực hiện hiệu quả, 100% cấp xã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trên phần mềm một cửa điện tử và hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Năm 2022, tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn tỉnh giảm 11,76% so với năm 2021. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội được tỉnh triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định như: trợ cấp thất nghiệp cho 14.804 lao động với số tổng tiền 220 tỷ đồng; hoàn thành việc hỗ trợ theo Quyết định số 08 ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với số tiền hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện có hiệu quả ở địa bàn cơ sở, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 107/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 93,04%, vượt mục tiêu 5 năm đạt 90%), 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, từng bước cải thiện chỉ số PAPI của tỉnh (năm 2021 đạt 42,43 điểm, xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long - xếp sau tỉnh Bạc Liêu).

Trong năm 2022, tỉnh không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đối với 143 xã, phường, thị trấn; quy ước khóm, ấp được xây dựng và sửa đổi đúng quy định, phù hợp với thực tế địa phương. Các Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban thanh tra nhân dân tiếp tục phát huy vai trò giám sát tích cực nắm bắt phản ánh, kiến nghị của người dân theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Kết quả, Ban thanh tra nhân dân đã thực hiện giám sát được 743 vụ việc, trong đó kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét 46 vụ việc. Ban giám sát đầu tư cộng đồng giám sát 618 cuộc, trong quá trình giám sát kịp thời phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền 18 nội dung điều chỉnh, bổ sung về quy hoạch xây dựng chi tiết, xử lý nước thải sinh hoạt, cấp điện, nước.

Các cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện tốt Nghị định số 04 của Chính phủ, xây dựng kế hoạch thực hiện, kế hoạch phát động thi đua trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đầy đủ. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan theo quy chế và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước lãnh đạo cấp trên. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức; góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị được công khai cho công chức, viên chức biết, giám sát, kiểm tra qua nhiều hình thức như: niêm yết tại cơ quan, gửi văn bản điện tử thông qua hệ thống mạng nội bộ.

Công tác cải cách hành chính được các đơn vị quan tâm thực hiện tốt, công khai và giải quyết các thủ tục hành chính theo đúng trình tự, thủ tục; bố trí nơi tiếp dân, thực hiện việc tiếp dân và tổ chức hộp thư góp ý đúng quy định; triển khai ứng dụng phần mềm một cửa điện tử mới tại các cơ quan, địa phương; triển khai thực hiện kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn đạt 97,23%.

Việc quán triệt, tổ chức thực hiện QCDCƠCS tại nơi làm việc theo Nghị định số 145 của Chính phủ được các đơn vị doanh nghiệp thực hiện cơ bản nghiêm túc. Các doanh nghiệp rà soát, sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể phù hợp với tình hình doanh nghiệp. Công đoàn các cấp thương lượng ký nhiều thỏa ước lao động tập thể; nội dung thương lượng ký kết tập trung những điều khoản có lợi cho người lao động và được công khai cho người lao động biết. Toàn tỉnh có 256 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn cơ sở, trong đó số doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tổ chức hội nghị người lao động theo Nghị định số 145 của Chính phủ là 169 doanh nghiệp (có từ 10 lao động trở lên). Các doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ và đột xuất tại doanh nghiệp 221/210 cuộc (đạt 105% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao). Việc thực hiện tốt QCDCƠCS tại nơi làm việc, góp phần phát huy vai trò, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động cũng như vai trò của Công đoàn, nhằm tạo môi trường làm việc hài hòa, đoàn kết tại doanh nghiệp.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn