Cách mạng Tháng Tám bắt đầu từ dân: “Vì có dân là có tất cả”
Cập nhật ngày: 17/08/2018 15:48:27
Trong lịch sử Việt Nam, từ đặc điểm sinh tồn và chấn hưng dân tộc, cha ông ta đã tổng kết: Có dân là có tất cả; an dân bền vững thì cơ đồ sự nghiệp muôn thuở thái bình; việc cương thường muôn thuở là ở lòng dân. Có dân, có niềm tin của dân là có sức mạnh dời non lấp bể.
Các vị minh quân, trung thần qua các triều đại luôn coi trọng, đề cao dân - dân vi bản, vi quý. Vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long là bởi: “Trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân”. Lý Thường Kiệt cũng nói: “Đạo làm chủ dân cốt ở nuôi dân”. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thì lấy: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi luôn xem: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”...
Tiếp nối và phát triển truyền thống đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vị trí của dân không chỉ là gốc, là quý nhất mà dân còn là chủ và làm chủ. Nhớ lại câu chuyện cách đây nhiều thập kỷ, sau ngày Bác Hồ về nước, vận động phong trào cách mạng ở Cao Bằng để phát triển rộng ra cả nước, đồng chí Võ Nguyên Giáp có hỏi Bác: Chúng ta bắt đầu từ đâu? Bác trả lời: Bắt đầu từ dân, có dân sẽ có súng, có dân sẽ có tất cả.
Lòng dân, sức dân đã làm nên kỳ tích của cuộc cách mạng. Lòng dân là khát khao độc lập, tự do, là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh dưới ngọn cờ đại đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, niềm tin vào thắng lợi của chính nghĩa dân tộc, thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa... Sức dân là ý chí, hành động của hàng chục triệu quần chúng được giác ngộ, với ý thức giành chính quyền cho mình và của mình để rồi xây dựng chính quyền mưu lợi cho hạnh phúc của chính mình. Chính lòng dân, sức dân đã sẵn sàng làm nên thành công của cuộc cách mạng vĩ đại ấy.
Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Dân vận toàn quốc gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại bài học của cha ông: “Thuyền bị lật mới biết sức dân mạnh như sức nước, nước có thể chở thuyền nhưng nước cũng có thể lật thuyền được”. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng từng khẳng định: “Chỉ có sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân, khối đại đoàn kết dân tộc mới là sức mạnh vô địch để chúng ta vượt qua mọi sóng to, gió lớn của thời cuộc... Chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào dù là hung bạo nhất, chỉ sợ mất lòng dân. Lòng dân, đó là Quốc bảo dựng nước và giữ nước Việt Nam”.
Mùa Thu 73 năm trước, chỉ với 5 nghìn đảng viên, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa thành công. Sau đó, trong thử thách ngặt nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” của chính quyền non trẻ, chúng ta vẫn vượt qua một cách ngoạn mục. Đó là bởi, chúng ta đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy ý chí, sức mạnh của nhân dân. Là bởi chúng ta có những người lãnh đạo liêm chính, Chính phủ hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân. Đúng như tuyên bố của người khai sinh ra nước Việt Nam mới: Chính phủ Hồ Chí Minh cam kết sẽ là Chính phủ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Kinh nghiệm và bài học lịch sử ấy tiếp sức cho chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, trong xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính hiện nay.
NGỌC TÂM (Tổng hợp)