KỶ NIỆM 76 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/8/1945 – 19/8/2021)
Cách mạng tháng Tám và tư tưởng “Lấy dân làm gốc”
Cập nhật ngày: 18/08/2021 09:27:50
ĐTO - Nguyên lý “lấy dân làm gốc” (dĩ dân vi bản) là một trong những nguyên lý tối thượng để “an dân, trị quốc, bình thiên hạ” của các bậc đế vương từ ngàn đời nay, đã được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng rất thành công và sáng tạo trong Cách mạng tháng Tám, năm 1945 trên đất nước Việt Nam. Bài học của sự vận dụng này, đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận, giá trị thực tiễn, giá trị nhân văn và vẫn còn ăm ắp tính thời sự.
Mít tinh của hàng vạn quần chúng nhân dân tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, sáng 19-8-1945, do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Nguồn Tư liệu TTXVN
Như chúng ta đã biết, Cách mạng tháng Tám, năm 1945 thành công - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trong hệ thống các nước thuộc địa, đã trở thành một sự kiện và biến cố lịch sử long trời lở đất không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Làm nên cuộc cách mạng ấy, ngoài sự lãnh đạo tài tình, tinh nhạy, kiên quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có một nhân tố không kém phần quan trọng, đó là toàn thể Nhân dân Việt Nam đã đi theo, nghe theo Đảng, trở thành lực lượng quần chúng có sức mạnh vô song, đứng lên giành chính quyền từ tay thực dân, đế quốc. Tại thời điểm đó, Đảng Cộng sản Việt Nam mới có khoảng 5.000 đảng viên và chưa thực sự đứng ra công khai lãnh đạo mà thông qua phong trào Việt Minh do Đảng lập ra, với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, đã huy động toàn thể người dân Việt Nam đồng lòng đứng lên theo Đảng giành độc lập, tự do, lập ra nhà nước vô sản đầu tiên ở Đông Nam Á - Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại mấy ngàn năm trong lịch sử đất nước.
Tiêu biểu nhất của tư tưởng “lấy dân làm gốc” từ Cách mạng tháng Tám, năm 1945, trước hết phải kể đến sự kiện Đại hội đại biểu quốc dân (hay còn gọi Quốc dân Đại hội Tân Trào) trong các ngày 16 - 17/8/1945 (trước cuộc cách mạng 2 ngày) tại đình Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang). Trong điều kiện đầy khó khăn, thách thức lúc bấy giờ mà Đại hội đã quy tụ đầy đủ đại diện của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, của các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và của cả Việt kiều ở Thái Lan, Lào. Có thể nói, đây là hình ảnh và biểu tượng sáng chói và sinh động nhất của việc vận dụng tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Đảng ta thuở đó. Điều toát lên rõ nhất ở Đại hội này là, “lấy dân làm gốc”, trước hết là phải đoàn kết toàn dân, không phân biệt người dân đang ở đâu, đang ở vị trí nào và chính kiến, tuổi tác ra sao. Chính vì vậy mà tư tưởng “lấy dân làm gốc”, đoàn kết toàn dân dấy lên từ 60 đại biểu trong đại hội lịch sử này, lập tức lan tỏa sâu rộng khắp 20 triệu người dân Việt Nam, liên kết mọi người thành một khối, tạo thành một sức mạnh vô cùng to lớn.
Điều tiêu biểu thứ hai của tư tưởng “lấy dân làm gốc” từ Cách mạng tháng Tám, năm 1945 là Đảng ta không chỉ tập hợp, đoàn kết Nhân dân mà cao hơn, coi Nhân dân là người làm chủ đất nước, là chủ nhân đích thực của cách mạng. Đảng ta quan niệm và nêu rõ, không có Nhân dân thì không thể tiến hành thành công bất cứ một cuộc cách mạng nào, dù lớn hay nhỏ. Có Nhân dân là có tất cả! Đó là tinh thần trọng dân, biết dựa vào dân, phát huy sức dân, “lật thuyền mới biết sức dân như nước” (phúc chu thủy tín dân do thủy - Quan hải (Của biển - Nguyễn Trãi). Trong một trả lời phỏng vấn, ông Vũ Oanh, nguyên Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào có nói, đại ý: dân làm chủ cách mạng và dân đẩy cách mạng đi tới thắng lợi. Nhờ tư tưởng này mà Đảng ta đã huy động được toàn thể người dân, gần như tay không, tự mình đứng lên làm cách mạng, giành chính quyền bằng sức mạnh “lật thuyền” của mình. Cách mạng Tháng Tám, năm 1945 đã tạo nên một cao trào cách mạng chưa từng có, với sự “xông lên” của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp. Cuộc tổng khởi nghĩa này là biểu tượng sinh động cho sức mạnh làm chủ của toàn dân.
“Đoàn kết toàn dân” và “dân làm chủ” là hai khía cạnh sáng ngời của nguyên lý “lấy dân làm gốc” trong Cách mạng tháng Tám, năm 1945 của Đảng ta, tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chống các thế lực ngoại xâm khác và trong công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước. Điều đáng nói nhất là tư tưởng “lấy dân làm gốc” ở bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn nào của tiến trình phát triển đất nước cũng được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao, vận dụng. Tính thời sự của nguyên lý cao cả này bao giờ cũng chói sáng, soi rọi, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà những biểu hiện của thoái hóa, tự chuyển biến, của quan liêu, cửa quyền, của xa dân, ghét dân... trong một bộ phận đảng viên, cán bộ đã và đang trở thành một hiện tượng chính trị - xã hội nóng bỏng và nhức nhối trên đất nước ta.
Kỷ niệm lần thứ thứ 76 Cách mạng tháng Tám, năm 1945, có lẽ bài học sáng ngời về tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Đảng ta phải tiếp tục được đặt lên hàng đầu trong từng sự kiện và hình thức tổ chức ở mọi nơi, mọi cấp độ. Bài học đó càng thấm thía trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid - 19 hiện nay. Nếu không dựa vào dân, đoàn kết toàn dân và lấy dân làm chủ thì chắc chắn không thể hiện lên hình ảnh đầy vui mừng và giàu khơi gợi khi các “vùng xanh” ngày một mở rộng biên độ trên bản đồ Tổ quốc.
“Lấy dân làm gốc” là một trong những tư tưởng nòng cốt trong hệ thống tư tưởng và triết lý cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà toàn Đảng, toàn dân ta hiện nay và mãi mãi học tập và làm theo. Tư tưởng đó đã được Người diễn đạt một cách vô cùng giản dị và đầy hình ảnh: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.8, tr.276).
TAO ĐÀN