Cần có chuyển biến mạnh mẽ hơn trong quản lý và sử dụng đất công để tạo ra nguồn thu mới

Cập nhật ngày: 04/07/2023 14:20:44

ĐTO - Đó là kết luận của ông Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tại phiên chất vấn về kết quả thực hiện công tác quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh vào ngày 4/7.  


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phan Văn Thắng yêu cầu các ngành, các địa phương quản lý hiệu quả đất công, tạo nguồn thu ngân sách

Phiên chất vấn do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Văn Thắng và 2 Phó Chủ tịch là bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, ông Kiều Thế Lâm cùng chủ trì. Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; Thường trực HĐND và UBND các huyện, thành phố tham dự phiên chất vấn.

Theo Chủ tịch HĐND tỉnh, phiên chất vấn lần này là hoạt động tái giám sát của Thường  trực HĐND tỉnh đối với công tác quản lý và sử dụng đất công của UBND tỉnh. Các vấn đề đại biểu đặt ra về hiệu quả công tác này được lãnh đạo UBND tỉnh trả lời cơ bản và nêu ra các giải pháp để quản lý tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Phan Văn Thắng yêu cầu các ngành, các địa phương cần lưu ý việc quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn, thấy được trách nhiệm của mình để có chuyển biến mạnh mẽ hơn, quản lý tốt hơn, tạo ra nguồn thu ngân sách mới; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm theo Thông báo 329 ngày 31/10/2019 của HĐND tỉnh.

UBND tỉnh cần có phương án, lộ trình chỉ đạo thực hiện từng nội dung trong quản lý, sử dụng đất công và tăng cường kiểm tra, giám sát để chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế; đẩy mạnh tiến độ đầu tư các khu đất công; quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch, đánh giá quy hoạch để có điều chỉnh phù hợp thực tế và phải công khai, minh bạch với dân để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, trong lựa chọn các phương án đầu tư cần chọn phương án có lợi người dân nhất, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.


Quang cảnh hội nghị chất vấn

Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hồ Thanh Phương báo cáo về thực trạng, tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng và phát triển đất công; công tác giao đất, cho thuê… trên địa bàn tỉnh; công tác thiết lập hồ sơ quản lý ranh giới, mốc giới các khu đất công, khu đất bãi bồi, đất mương lộ, cồn mới nổi.

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh các nhóm vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác quản lý, khai thác đất bãi bồi; công tác quản lý, khai thác quỹ đất công, nhà công; các dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đại biểu đặt các câu hỏi liên quan đến tình hình chậm triển khai thực hiện dự án khu đô thị An Lạc (huyện Cao Lãnh), khu đô thị phường Mỹ Phú và Phường 3 (TP Cao Lãnh), khu đô thị thương mại dịch vụ ven sông phía Đông (TP Sa Đéc); công tác quản lý đất bãi bồi ở các địa phương như cồn Đông Giang (TP Sa Đéc), cồn Trọi (huyện Cao Lãnh) và một số cồn ở huyện Thanh Bình, huyện Hồng Ngự…

Bên cạnh đó, đại biểu cũng quan tâm đến tình hình quản lý, sử dụng khu nhà ở tập thể thuộc dự án khu nhà ở công vụ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; hiện nay có 27 hộ dân đang sống tại đây, không thống nhất di dời, giao trả đất và đề nghị tỉnh xem xét, giải quyết mua nền tái định cư để ổn định cuộc sống; khu đất nhà công vụ Trường Đại học Đồng Tháp… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cho biết, hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, rà soát các cơ chế, chính sách để tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Đại biểu chất vấn về việc dự án khách sạn 5 sao của Công ty Thập Nhất Phong (Phường 2, TP Cao Lãnh) do công ty đã chậm tiến độ nhiều năm. Theo UBND tỉnh, hiện nay, công ty này đang kiến nghị UBND tỉnh xem xét, gia hạn tiến độ thực hiện dự án với lý do đề nghị được sáp nhập 2 thửa đất và chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp với dự án…


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cho biết, UBND tỉnh sẽ quyết liệt hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng chậm tiến độ dự án

Qua ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn chia sẻ, thực tế hiệu quả quản lý và sử dụng đất công của tỉnh chưa đạt được như kỳ vọng. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ quyết liệt hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng chậm triển khai các dự án của doanh nghiệp; đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu các biện pháp thu hồi các dự án chậm triển khai để trả lại đất sạch, kêu gọi nhà đầu tư mới có năng lực.

Những vấn đề trong câu hỏi chất vấn của đại biểu được lãnh đạo các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính… trả lời và thông tin thêm để làm rõ.

Tổng diện tích đất công trên địa bàn tỉnh hơn 29.046 ha, trong đó bao gồm: đất bãi bồi (diện tích hơn 1.833 ha); đất giao thông (diện tích hơn 9.060 ha); đất thủy lợi (diện tích 13.120 ha); đất các cụm tuyến dân cư (diện tích hơn 1.472 ha); đất các trụ sở (diện tích hơn 544 ha); đất công ích (diện tích hơn 304 ha); đất công nghiệp (diện tích hơn 633 ha); đất thương mại, dịch vụ (diện tích 41,8 ha); đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (diện tích hơn 405 ha); các cơ sở nhà đất sắp xếp lại và xử lý (diện tích 32,8 ha); đất giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác (diện tích hơn 1.485 ha); đất hiến tặng (diện tích hơn 105 ha); các khu đất do đơn vị trực thuộc Trung ương quản lý (diện tích 5,3 ha).

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn