Cần tỉnh táo trước thông tin xấu, độc về phòng, chống đại dịch covid-19
Cập nhật ngày: 03/08/2021 09:54:07
ĐTO - Trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 gần 2 năm qua, hệ thống báo, đài (báo in, báo mạng, đài phát thanh, đài truyền hình...) chính thống và những phương tiện thông tin, tuyên truyền khác đã vào cuộc một cách kịp thời, nhạy bén và đã có những đóng góp đáng kể, thiết thực cho công cuộc phòng, chống đại dịch đang diễn ra.
Ảnh minh họa
Ở Đồng Tháp chúng ta, báo Đồng Tháp, tạp chí Văn nghệ Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, hệ thống Đài truyền thanh ở 12 huyện, thị, thành và những hình thức tuyên truyền khác... với đặc trưng loại hình có một không hai của mình, đã tích cực, thường xuyên, kịp thời cập nhật tin tức, truyền tải những thông điệp cần thiết, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị, quy định của các cấp, nhất là những chỉ thị mang tính quyết định chiến lược của Chính phủ như Chỉ thị 15, Chỉ thị 16...
Tuy nhiên, vẫn có không ít thông tin trái chiều, thông tin bịa đặt, thông tin vu vạ, thông tin câu like... (nói chung là thông tin xấu, độc) xuất hiện nhan nhản đặc biệt là trên mạng xã hội, nhằm thông tin sai lệch, bóp méo, xuyên tạc, vu khống, bôi đen... công cuộc phòng, chống đại dịch của Nhân dân ta. Nhiều người cho rằng đây là một biến thể virus mới, cực kỳ nguy hiểm. Đầu têu là những trang mạng của tổ chức khủng bố Việt Tân (tên đầy đủ là Việt Nam canh tân cách mạng đảng); Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời; các đài phát thanh VOA, RFA, Chân trời mới media... và rất nhiều nhóm, cá nhân chống đối điên cuồng ở nước ngoài khác... Trong nước, cũng có không ít nhóm hoặc cá nhân phản động, chống đối phụ họa theo...
Trong công cuộc phòng, chống Covid-19 của đất nước ta, thông tin mà bọn chúng tung lên vẫn là những chiêu trò cũ rích, rẻ tiền, nhàm chán... rằng: lãnh đạo đất nước chỉ giỏi tung hô, tuyên truyền sáo rỗng, cố tình giấu giếm sự thật, hoàn toàn không đủ tư cách, đủ tài năng lãnh đạo Nhân dân phòng, chống dịch; xuyên tạc và phủ nhận nỗ lực phòng, chống đại dịch của Nhân dân ta; tung lên các thông số về người nhiễm, người được chữa khỏi, người tử vong... một cách bịa đặt và sai lệch; gào to một cách thiếu căn cứ, cho rằng Việt Nam quá chậm chạp trong chiến dịch tiêm vắc-xin để miễn dịch cộng đồng; xuyên tạc trắng trợn về chiến dịch, đối tượng tiêm vắc-xin và về mục đích tốt đẹp của Quỹ vắc-xin;quy chụp Nhà nước đã bỏ rơi công dân Việt Nam ở nước ngoài; đưa ra những con số và hình ảnh kinh khiếp nhằm gieo rắc bi quan, hoảng sợ trong Nhân dân...
Khuynh hướng đáng phê phán nữa là vì sự ngây thơ về chính trị, vì sự cả tin hồn nhiên, vì hành vi câu like rẻ tiền... mà khá nhiều nhóm người hay cá nhân đã đăng tải trên mạng (youtube; facebook; zalo...) những thông tin thiếu kiểm chứng hoặc hoàn toàn bịa đặt về tình hình Covid-19 của cả nước hoặc ở từng địa phương như: số người nhiễm bệnh và số ca tử vong cao hơn thực tế; ở đâu đó xuất hiện người nhiễm hay người tử vong không chính xác; đối tượng, lịch và giá cả tiêm vắc-xin sai sự thật... Nhiều nhất là thông tin về dịch bệnh xuất hiện ở địa bàn nào đó khi chưa được xác thực của cơ quan chức năng, gây hoang mang trong Nhân dân. Xin lấy ví dụ gần nhất, trong tháng 7 vừa qua, ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, trường hợp bà P.T.N.P. (38 tuổi) đã đăng tải trên Facebook thông tin sai về việc phân biệt đối xử đối tượng được tiêm vắc-xin và khi tiêm, người dân phải đóng 3 triệu đồng 1 mũi vắc-xin cho Nhà nước. Hậu quảcủa sự bịa đặt câu like ấy là, chính bà bị phạt một số tiền tương tự!
Ngoài hành động mạnh mẽ, kịp thời của các cơ quan chức năng, nhất là của ngành thông tin và truyền thông, của ngành công an, quân đội... từng phút, từng giây phát hiện, ngăn chặn thì người dân chúng ta cần phải tỏ rõ thái độ và hành động như thế nào?
Theo tôi, mỗi người dân chúng ta cần tỉnh táo khi tiếp xúc những thông tin xấu, độc nói trên bằng sự suy xét, cân nhắc một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, ai cũng có thể tiếp xúc trực tiếp với muôn màu thông tin, có đúng có sai, có tốt có xấu, có hay có dở... Điều quan trọng là tự mình biết lọc trong thông tin, chọn những thông tin đúng, tốt, hay... để tiếp nhận. Muốn vậy, trước hết phải tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng thông tin trên hệ thống phương tiện thông tin chính thống trong hệ thống thông tin - truyền thông của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thứ nữa là phải luôn nâng cao kỹ năng tiếp nhận thông tin, biết chọn đọc loại thông tin nào, xuất phát từ nơi nào, cũng như khước từ những thông tin và địa chỉ sản sinh ra nó ở phía ngược lại. Điều cũng quan trọng không kém là mọi người luôn biết nhắc nhau để cùng chọn lựa một cách tiếp nhận thông tin chuẩn mực, đúng đắn.
Một thao tác rất quan trọng nữa, thể hiện sự bình tĩnh của mỗi người, đó là, không tự mình tạo thông tin, tiếp tay lan truyền thông tin khi chưa đủ cơ sở tin cậy, chưa được kiểm chứng một cách chắc chắn về tất cả những gì liên quan đến công cuộc phòng, chống đại dịch Covid - 19 của cả thế giới, cũng như ở nước ta và ở từng địa phương cụ thể, nhất là status (đăng), comment (nhận xét) hay share (chia sẻ) trên facebook - một trang mạng xã hội thông dụng hiện nay ở Việt Nam...
Thực hiện được điều này, coi như chúng ta đồng thời phòng, chống một loại virus khác (cũng nguy hiểm không kém sự nguy hiểm của virus cúm phổi), đang tìm mọi cách xông vào đục ruỗng lý trí, tình cảm chân chính của mỗi người. Phải chăng, đất nước ta cần phải chống cả loại giặc này trong chiến dịch chống dịch như chống giặc Covid - 19 hiện nay!
TAO ĐÀN