Câu chuyện “lo cho dân”

Cập nhật ngày: 06/06/2016 06:20:09

Bây giờ mà hỏi “ai lo cho dân?” thì có khi bị cho là hơi ngô nghê. Câu trả lời quá rõ ràng rồi: Đảng và Nhà nước chứ ai? Thì đó: “Đảng không có lợi ích gì khác ngoài phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” mà. Thì đó: “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” mà. Vậy còn ai lo cho dân nữa? Thì các đại biểu dân cử chứ ai. Đi một vòng tiếp xúc vận động bầu cử, đâu đâu cũng nghe bà con gửi gắm: “Quý vị đắc cử rồi thì phải có trách nhiệm lo cho dân chúng tôi nhé!”

Điều đó rất đúng, đã được ghi vào Cương lĩnh, vào Hiến pháp, được chắt lọc vào các bài giảng các trường chính trị - hành chính bao nhiêu năm từ khi có Đảng, có Nhà nước. Và từ đó, không chỉ cấp ủy đảng, chính quyền mà còn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp khác đều cùng nhau “lo cho dân”.

Phải chăng từ đó đã dẫn đến một thực trạng đáng lo: tất tần tật mọi thứ, mọi việc, người dân nghĩ rằng mình có thể yêu cầu hoặc kiến nghị thì Nhà nước lo được hết, giải quyết được hết.

Nhà nước là vạn năng chăng? Ngược lại, trong hệ thống chính trị chúng ta cũng rơi vào cái bẫy này, nghĩa là nghĩ rằng mình phải lo và lo được hết. Từ đầu tư hạ tầng, quy hoạch sản xuất, điều hành kinh tế; đến ngôi nhà chính sách, nhà tình thương cho người khó khăn, nhà cho đồng chí đồng đội, chiếc xe đạp, suất học bổng, tập vở cho học sinh, cơ số thuốc cho người bệnh, chiếc xe lăn, xe lắc cho người tàn tật, rồi phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường...

Tuy nhiên, vẫn thấy thiếu thiếu một điều gì đó. Vậy còn “ai lo cho dân” nữa không? Đây rồi: Người được lo có tự lo cho mình chưa? Người dân - chủ thể, trung tâm của sự phát triển - có tự lo cho mình chưa? Chúng ta vui mừng và hạnh phúc chứng kiến những người tiêu biểu không cam chịu, tự vượt lên sự nghiệt ngã của số phận để trở nên khá giả, những người quyết tâm trả lại sổ hộ nghèo, chí thú làm ăn và trở thành tỷ phú. Nhưng chúng ta cũng nặng lòng với không ít người dân mãi trông chờ, ỷ lại, mọi chuyện đều nghĩ rằng, đã có chính quyền lo, xã hội lo, theo kiểu “có phước, có phần hổng cần gì lo”.

Một đồng chí lãnh đạo của tỉnh tâm tư: “Đây có thể coi là hậu quả của bao cấp hay tư tưởng bao cấp còn nặng không chỉ trong dân mà còn ở cán bộ. Quen bao cấp thì nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ, không có ý chí tự lực. Cũng có thể do chính sách của chúng ta luôn vì dân mà không làm rõ nghĩa vụ, quyền lợi, trong tuyên truyền quá nhấn mạnh hay chỉ đề cập đến trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, còn trách nhiệm công dân thì mờ nhạt nên dân chỉ biết quyền lợi, không biết nghĩa vụ, tất cả đều đòi Nhà nước lo”.

Phải chăng, giờ đây là lúc phải tư duy lại, định vị lại, đâu là chuyện chính quyền phải lo, đâu là người dân tự lo cho chính mình, cùng nhau lo chuyện cộng đồng. Hệ thống chính trị không chỉ dừng lại ở chỗ chăm lo cho dân, mà hơn thế nữa là, khơi gợi tinh thần tự chủ, tự lực trong bà con chúng ta.

Lại một lãnh đạo suy tư: “Bản thân mỗi người phải tự phấn đấu vươn lên, phải tự nhủ rằng mình có thể làm gì, học gì, vươn lên bằng cách nào! Mỗi gia đình phải tự tích cóp, siêng năng, cho con cái học hành, không ỷ lại, trông chờ! Khi đã cố hết sức, làm hết sức rồi mới nhờ: nhờ đến chính quyền, nhờ đến các tổ chức xã hội, nhờ nhà khoa học, nhờ đến các chính sách của Nhà nước...”.

Có đồng chí lãnh đạo lại tư lự: Dân bây giờ không mấy ai lo chuyện chung đâu, không ai “ăn cơm nhà mà vác tù và hàng tổng” đâu! Vậy có quá chủ quan, quá thiếu niềm tin vào người dân mình không? Trách bà con mình mà sao không tự trách mình? Bác Hồ đã chỉ ra: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: những việc đó là vì lợi ích của họ mà phải làm”.

Chứng kiến bà con An Nhơn (huyện Châu Thành) cùng nhau lấp ao, đốn cây, hiến đất sạch làm đường mới thấy lời Bác thật sâu sắc. Chú lão nông tri điền - người hiến đất làm đường, vừa đốn cây vừa nói ngon ơ: “Tui trồng được là tui đốn được”! Lời nói thật hào sảng khi bà con hiểu được giá trị sự đóng góp của mình cho làng xóm! Chắc chắn rằng những hình ảnh đó không chỉ ở An Nhơn mà còn có ở khắp nơi.

Cộng đồng nào cũng có những người tiêu biểu, nhiệt huyết với chuyện xóm làng. Chỉ có người lãnh đạo không chịu đi, không chịu nghe, không chịu tin, không biết khơi gợi cho bà con mà thôi.

Cần, rất cần và vẫn cần những sự hỗ trợ của chính quyền và xã hội đối với người dân. Nhưng cần hơn cả là trong từng sự hỗ trợ đó không phải để báo cáo, để lấy thành tích. Mọi việc làm khơi gợi, phải truyền đi một thông điệp đến với bà con rằng: đó chỉ là hỗ trợ, có thoát nghèo hay không, có khá giả lên hay không là do chính bà con tự tạo nên!

Ông bà mình đã nhắc nhở từ bao đời nay “của cho không bằng cách cho”, mình có thể “vận dụng” thành “của lo không bằng cách lo”, lo cho người dân để bà con tự đứng lên lo cho mình, lo cho cộng đồng, rồi làng xóm chăm lo nhau. Làm sao trong mỗi cộng đồng dân cư, bà con mình biết tự lực, biết chăm chỉ, biết hợp tác với nhau.

Làm sao người dân mạnh mẽ tuyên bố rằng: tôi phải làm, tôi quyết tâm làm, một người làm không được thì nhiều người chúng tôi cùng nhau làm và dứt khoát làm được.

Chúng ta lo là lo làm sao để có nhiều cộng đồng như vậy đó. Nông thôn mới chúng ta đang hướng đến là như vậy đó!

Xích Lô

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn