Chủ động thực hiện đồng bộ công tác chuyển đổi số

Cập nhật ngày: 15/08/2023 16:02:31

ĐTO - Triển khai Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy khóa XI về chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện bám sát mục tiêu, chỉ tiêu và tổ chức thực hiện với 90 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, phân công cụ thể vai trò, trách nhiệm của sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.


Nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh TP Cao Lãnh (đứng giữa) hướng dẫn người dân trên địa bàn Phường 1 thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị tỉnh và địa phương thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ngoài các mô hình chuyển đổi số được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo tất cả các ngành, địa phương đăng ký chuyển đổi số ít nhất ở 1 lĩnh vực đối với sở, ngành tỉnh; tối thiểu 2 lĩnh vực đối với địa phương cấp huyện. Kết quả, có 16/18 đơn vị cấp sở và tương đương và 11/12 địa phương cấp huyện được công nhận có chủ động triển khai chuyển đổi số.

Các dự án đầu tư công và các nhiệm vụ chi thường xuyên về công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước được triển khai thực hiện khẩn trương, đúng với tiến độ đề ra. Công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết để liên thông, kết nối các hệ thống thông tin của tỉnh với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được khẩn trương triển khai. Tỉnh Đồng Tháp chính thức được Bộ Công an cung cấp tài khoản kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, bảo đảm tiến độ chung của cả nước vào ngày 26/12/2022.

Thực hiện Quyết định số 06 ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Đồng Tháp đã bổ sung các chức năng trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để sử dụng căn cước công dân thay cho sổ hộ khẩu (bỏ sổ hộ khẩu), liên thông với các cơ sở dữ liệu Quốc gia về hộ tịch, bảo hiểm xã hội, lao động - thương binh và xã hội, tài nguyên và môi trường...

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ gồm: việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội bộ LGSP (dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường), kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia (NDXP); nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia; triển khai hệ thống thông tin báo cáo cho cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, đồng bộ với hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia; thí điểm triển khai phòng họp không giấy ở một số địa phương, đơn vị... góp phần phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Sau dịch Covid-19 được kiểm soát, kinh tế số tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tỷ lệ doanh thu kinh tế số năm 2022 ước đạt 3,7% GRDP của tỉnh. Việc bán hàng và mua sắm hàng hóa trên môi trường điện tử đã trở thành thói quen của đa số người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có hơn 438 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee... Đồng thời triển khai 4 lớp tập huấn, hướng dẫn hộ sản xuất sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP về kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ 18 doanh nghiệp thực hiện 11 đề án đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, một số doanh nghiệp từng bước ứng dụng các hệ thống thông minh trong quá trình hoạt động sản xuất như hệ xử lý kho thông minh, hoạch định tài nguyên doanh nghiệp, lập kế hoạch và quản lý sản xuất... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số”.

Tỉnh ban hành Đề án thí điểm thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng. Theo đó, mỗi huyện và thành phố lựa chọn 1 khóm, ấp thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng, sau 2 năm thí điểm, sẽ đánh giá và tổ chức nhân rộng đến 100% khóm, ấp trên địa bàn. UBND tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn ký kết chương trình phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Hiện, các Tổ công nghệ số cộng đồng và các cấp bộ Đoàn đã tổ chức hàng chục lượt ra quân hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt và ứng dụng e-Dongthap nhân chiến dịch tình nguyện hè và sự kiện ngày chuyển đổi số 10/10. Đặc biệt, TP Cao Lãnh triển khai thực hiện thí điểm tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên 3 tuyến đường Nguyễn Huệ (Phường 1 và Phường 2), Hùng Vương (Phường 2), Lý Thường Kiệt (đoạn Phường 2).

Giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh quyết tâm thực hiện hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết số 04 đề ra. Trong đó tập trung nguồn lực phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, hướng tới cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp cùng khai thác. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh tế số khởi nghiệp, gia nhập vào không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh, qua đó tăng dần tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GRDP của tỉnh; tiếp tục triển khai Kế hoạch số 152 ngày 5/5/2022 của UBND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Tiếp tục trang bị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho giáo dục bảo đảm điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo...

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn