Chú trọng thực hiện tốt hoạt động hội nhập quốc tế

Cập nhật ngày: 05/02/2024 10:43:37

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240205104441dt1-2.mp3

 

ĐTO - Thực hiện Nghị quyết số 93 ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 - 2030, UBND tỉnh đã triển khai các văn bản liên quan đến hoạt động hội nhập quốc tế, các ngành, đơn vị, địa phương cụ thể hóa thành các giải pháp thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng.


Chế biến thủy sản xuất khẩu là một trong những thế mạnh trong thực hiện hội nhập quốc tế của tỉnh (Ảnh: CTV)

Năm 2023, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nổi bật, tuyên truyền quảng bá hình ảnh của địa phương, thành tựu về kinh tế - xã hội của tỉnh; các kết luận, nghị quyết, đề án, chương trình trọng tâm của Tỉnh ủy khóa XI sát với thực tế, tạo được sự đồng thuận cao trong người dân. Trong công tác tuyên truyền và thúc đẩy sự nhận biết hình ảnh tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh hợp tác với gần 20 đơn vị báo chí ngoài tỉnh chuyển tải hình ảnh Đất Sen hồng, điểm sáng về chỉ số năng lực cạnh tranh của Đồng Tháp; những thành công của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng...

 Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với xu thế. Tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, đề án, nhất là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp từng bước đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định cho công nghiệp chế biến xuất khẩu; giúp cho khu vực kinh tế nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì mức tăng trưởng. Nổi bật, cung cấp nguồn nguyên liệu (lúa gạo, cá tra, trái cây...) phục vụ tốt cho nhu cầu xuất khẩu kể cả doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 312 vùng trồng được cấp mã số phục vụ xuất khẩu với diện tích 46.256ha; có 459 vùng trồng cây ăn trái với tổng diện tích 12.038ha được cấp mã số phục vụ xuất khẩu.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 49.500 tỷ đồng (tăng 4,56%) so với năm 2022. Tỉnh tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển; giá trị sản xuất công nghiệp được củng cố, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn với phát triển sản phẩm mới.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa diễn ra ổn định, xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh do nhu cầu nhập khẩu các nước tăng cao. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 1,25 tỷ USD. Các doanh nghiệp củng cố duy trì xuất khẩu vào các thị trường truyền thống và tận dụng được các thị trường có FTA, trong đó có nhiều thị trường khó tính với tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa nhập khẩu như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... doanh nghiệp đều tiếp cận được. Cụ thể các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu sang 115 thị trường các nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi...

Đồng Tháp triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp cũng như cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh. Năm 2022, Chỉ số PCI của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khá tốt (xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố), 15 năm liền tỉnh được xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước, qua đó quảng bá hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động, sáng tạo và tạo dựng niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Tính đến ngày 31/10/2023, có 11 dự án được chấp thuận về chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư 6.341 tỷ đồng. Trong đó, có 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 437 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 440 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 51.110 tỷ đồng; trong đó, có 28 dự án FDI đang hoạt động (12 dự án đầu tư trong khu công nghiệp, 16 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp), với tổng vốn đầu tư là 314 triệu USD góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đã tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn phát triển khá nhanh, đa dạng hóa, thương mại hóa, nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn và hướng đến xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 5 sao. Trong đó, có 275 sản phẩm đạt 3 sao, 81 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao được quảng bá chính thức trên sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Tháp và các sàn thương mại điện tử uy tín như: Voso, Postmart, Lazada, Shopee, Sendo.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn