Thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI):

Chương trình ở các cấp học đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học

Cập nhật ngày: 24/10/2018 10:32:20

ĐTO - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Nghị quyết số 29), các cấp ủy đảng trên địa bàn đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nổi bật là chất lượng giáo dục bước đầu đã được cải thiện; chương trình ở các cấp học đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Chất lượng nguồn nhân lực của ngành giáo dục được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, nhiều chỉ tiêu về GD-ĐT đạt và vượt kế hoạch đề ra. Ngành GD-ĐT của tỉnh 3 năm liên tục được tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xếp trong nhóm đầu Khối thi đua khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Chất lượng phổ thông trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao

Các cấp ủy, chính quyền, ngành GD-ĐT đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh. Các cơ sở giáo dục chủ động tổ chức các hình thức học tập đa dạng, phù hợp với đối tượng, tâm lý lứa tuổi, trong đó chú trọng các hoạt động ngoại khóa. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Mạng lưới trường, lớp phát triển rộng khắp, tất cả các xã đều có trường Tiểu học, trường THCS, 100% các huyện có trường THPT. Nội dung giảng dạy theo hướng kích thích phát triển tư duy của học sinh gắn với cập nhật kiến thức mới phù hợp với thực tiễn.

Tỉnh đã sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng phát huy thế mạnh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội, các cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc ngành GD-ĐT. Các trường cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Trung tâm dạy nghề, Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt nội dung, chương trình đề ra (hàng năm, tỉnh đào tạo nghề cho trên 20.000 lượt người).

Tỉnh lãnh đạo triển khai thực hiện tốt quy định, quy chế của Bộ GD-ĐT về đánh giá học sinh cấp Tiểu học, xếp loại học sinh cấp THCS và THPT. Công tác kiểm tra học kỳ, xét và tuyển sinh đầu cấp, thi học sinh giỏi các cấp, thi THPT Quốc gia, ra đề kiểm tra, sao in và bàn giao đề kiểm tra cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ các cấp độ... an toàn, đúng kế hoạch.

Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp tích cực đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá. Trường Đại học Đồng Tháp triển khai kế hoạch đánh giá các hoạt động giảng dạy của giảng viên bằng hình thức khảo sát lấy ý kiến người học, làm cơ sở đẩy mạnh hiệu quả đổi mới dạy học. Mạng lưới trường, lớp tiếp tục được điều chỉnh hợp lý. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia có sự quan tâm và tập trung thực hiện, toàn tỉnh có 478 trường đạt chuẩn (năm 2013 có 423 trường). Trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư theo hướng hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học. Tỉnh đã ban hành Đề án thành lập Trung tâm dạy nghề - Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và Trường Trung cấp Nghề - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; triển khai Đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Nghề và Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải.

Công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông được đẩy mạnh thông qua các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp, đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông, mở rộng quy mô cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở những vùng khó khăn, tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, hỗ trợ tài chính cho học sinh nghèo và những cơ sở đào tạo tuyển học sinh tốt nghiệp THCS... để học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được triển khai thực hiện sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều mô hình, phong trào khuyến học được quan tâm phát triển như: gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập... gắn với vận động thành lập quỹ khuyến học, tặng quà và học bổng cho học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn.

Ngành GD-ĐT của tỉnh thực hiện tốt Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm túc quy chế công khai trong các hoạt động; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, đào tạo trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động thanh tra chuyên đề, thanh tra toàn diện, thanh tra quản lý tài chính và cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư phục vụ dạy và học được chú trọng, quan tâm kiện toàn lực lượng thanh tra các cấp, bảo đảm đủ trình độ và năng lực để thực hiện nhiệm vụ.

Các cấp ủy, chính quyền, ngành GD-ĐT chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy. Công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội được tăng cường qua ứng dụng dịch vụ nhắn tin báo điểm, thông tin sổ liên lạc điện tử, thư điện tử... sử dụng hệ thống cổng thông tin điện tử, website nội bộ để thông tin và thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định; sử dụng, điều hành hiệu quả hệ thống phần mềm quản lý trường học trực tuyến (Vnedu, VietSchool) ở các trường.

Đội ngũ quản lý giáo dục được củng cố, kiện toàn và tinh giản nhưng vẫn bảo đảm đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức gắn với quy hoạch của từng đơn vị được quan tâm, thông qua liên kết với các cơ sở đào tạo đại học, quản lý cán bộ chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức các lớp chuẩn hóa cho giáo viên chưa đạt chuẩn, bồi dưỡng theo các chuyên đề, khuyến khích giáo viên tự học. Qua đó, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và người lao động ngày càng nâng lên, ngành GD-ĐT đã từng bước lựa chọn được cán bộ quản lý có năng lực, phẩm chất để bổ nhiệm các chức danh quản lý.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn