Chuyện “ông nói gà, bà nói vịt”
Cập nhật ngày: 29/08/2016 06:30:24
ĐTO - Ngày 04/5/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 25/3013/QĐ-TTg về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Theo Luật Báo chí 2016, báo chí phải thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân.
Tuy nhiên thời gian qua, không ít vụ báo chí dẫn lời cán bộ A nói thế này, cán bộ B lại nói thế kia, như vụ Formosa, quán Xin Chào, gần đây nhất là vụ “bắt cóc người” giữa ban ngày ở Bình Thuận.
Có lỗi của người phát ngôn không nắm chắc vụ việc. Có lỗi của cán bộ không được phân công nhưng vẫn trả lời theo quan điểm cá nhân. Có lỗi của phóng viên khi tác nghiệp nôn nóng, chủ quan đưa tin không kiểm tra nguồn. Có nguyên nhân nội bộ lãnh đạo không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ: tranh luận, được quyền bảo lưu ý kiến của mình và kiến nghị về trên nhưng phải thực hiện nghị quyết trước khi có kết luận của cấp trên.
Người phát ngôn, trả lời báo chí của địa phương, đơn vị nắm chắc vụ việc; phóng viên kiểm tra nguồn khi đăng tin sẽ góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, an ninh đất nước, địa phương.
Theo Hiến pháp, Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội; quyền lực Nhà nước là thống nhất, do đó không thể tiếp tục chuyện “ông nói gà, bà nói vịt” về chủ trương, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị nào đó. Những phát ngôn mang tính chủ quan, tán phát trên mạng xã hội gây bất an dư luận, dẫn đến hậu quả khôn lường, sẽ bị các thế lực thù địch lợi dụng, như Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhận định: “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, nhất là triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng Internet để chống phá ta”.
Hữu Ý