Công tác đảng viên trong tình hình mới hiện nay

Cập nhật ngày: 09/04/2024 05:48:28

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240409054926dt2-8.mp3

 

ĐTO - Sau gần 40 năm đổi mới, Đảng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, đất nước ngày càng phát triển. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”...


Trao Quyết định kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ Báo Đồng Tháp (Ảnh: Thành Định)

Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều thách thức, có thể kể đến các yếu tố bên ngoài như: xu thế hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, quyết liệt; trong khi các yếu tố bên trong cũng tồn tại nhiều rủi ro, hạn chế như sự tác động của cơ chế thị trường lên nhiều mặt của đời sống xã hội; sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên (ĐV) dẫn đến vi phạm pháp luật, làm suy giảm lòng tin trong Nhân dân... Chính vì thế, việc chỉnh đốn xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay là vô cùng cần thiết.

Khi nói về vai trò của Đảng, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi ĐV và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”...

Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền là một khái niệm phản ánh thời kỳ cách mạng đã giành được chính quyền, Đảng được Nhân dân ủy quyền lãnh đạo thiết lập và sử dụng bộ máy nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân và cả dân tộc...

Đảng lãnh đạo là một khái niệm rất trừu tượng, hiểu khái niệm Đảng lãnh đạo thế nào cho đúng. Một cách dễ hiểu, có thể nói Đảng chính là tổ chức cơ sở đảng, ĐV và cụ thể là mỗi cán bộ, ĐV. Khi cầm quyền trong tay, con người sử dụng quyền lực để chi phối các lĩnh vực đời sống xã hội, bản chất của quyền lực là dễ bị tha hóa, khi quyền lực bị tha hóa, cán bộ ĐV dễ lạm quyền, lộng quyền. Từ đó làm những việc sai trái, chính những cán bộ, ĐV bị tha hóa, biến chất làm mất lòng tin của Nhân dân vào cán bộ, đó cũng chính là mất lòng tin vào Đảng. Bác đã dạy: “Đảng mạnh là do Chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các ĐV tốt”... Do đó, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trước hết là công tác ĐV. Trong bài viết này, tôi tập trung làm rõ công tác ĐV trong bối cảnh hiện nay. Theo tôi, công tác ĐV cần tập trung vào 3 nội dung lớn sau đây:

Một là, công tác kết nạp đảng viên. Kết nạp đảng viên là một công tác rất quan trọng gồm nhiều khâu, nhiều bước, từ phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng đến thực hiện quy trình kết nạp, đòi hỏi phải thực chất để có thể kết nạp một ĐV đáp ứng các tiêu chuẩn của người ĐV. Hiện nay, công tác kết nạp ĐV mới, có lúc, có nơi còn chạy theo thành tích, chỉ tiêu số lượng mà chưa chú trọng chất lượng, điều này dẫn đến kết nạp không đúng người, từ đó làm cho Đảng ta suy yếu. Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân số cả nước có 25 triệu người, trong đó có 5.000 ĐV, nhưng Đảng đã lãnh đạo cách mạng thành công. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, hiện nay, cả nước có hơn 90 triệu dân, trong đó có khoảng 5 triệu ĐV, ĐV đông nhưng không mạnh chính là vì chất lượng ĐV. Do đó, trước hết trong công tác kết nạp ĐV cần xác định chất lượng quan trọng hơn số lượng, tư duy chạy theo chỉ tiêu số lượng không phù hợp với một Đảng cầm quyền; việc tăng quy mô, số lượng ĐV là cần thiết nhưng cần chú trọng yếu tố chất lượng ĐV, xem đó là tiêu chí cốt lõi trong công tác phát triển Đảng. Để làm được điều đó, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu cần nhận thức đúng trong việc quan tâm chất lượng quần chúng, phải lựa chọn người thật sự tiêu biểu, thực sự xứng đáng để bồi dưỡng, kết nạp, Đảng cấp trên cần đánh giá hiệu quả công tác phát triển Đảng thông qua nguồn lực của cơ sở đảng cấp dưới, tránh áp đặt chỉ tiêu máy móc, từ đó tạo áp lực số lượng mà kết nạp đủ chỉ tiêu, vô tình làm cho Đảng yếu đi dù số lượng ĐV có tăng. Năm 1991, Cộng hòa liên bang Xô Viết có hơn 20 triệu ĐV nhưng vẫn sụp đổ dù không chảy 1 giọt máu, không nổ 1 phát súng, đó là bài học quý về chất lượng vẫn hơn số lượng.

Hai là, công tác giáo dục, rèn luyện, phân công và quản lý đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”... Chính vì thế, mỗi cán bộ, ĐV phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời. Tổ chức đảng phải thường xuyên giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng cho người ĐV bằng những việc làm cụ thể, không hô hào khẩu hiệu chung chung, phải xác định đây là nhiệm vụ trung tâm và ứng xử với công tác giáo dục chính trị tư tưởng đúng mực với vai trò quan trọng của nó. Bác dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”... Trước hết là người đứng đầu, phải thật sự gương mẫu, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để nêu gương cho tập thể. Kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; thực hiện nghiêm túc nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng để xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh, mà trước hết là trong sạch, vững mạnh về tư tưởng.

Công tác phân công nhiệm vụ ĐV hàng năm trong thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả, còn nặng tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Cấp ủy cần nhận thức đúng đắn việc ban hành nghị quyết phân công nghiệm vụ ĐV hàng năm, đó là việc làm đòi hỏi có sự sâu sát với từng cán bộ, ĐV, nắm vững năng lực, sở trường của đồng chí mình, ứng với từng vị trí việc làm cụ thể để phân công nhiệm vụ ĐV phù hợp, tạo sự đồng thuận trong tập thể, tạo cơ hội cho đồng chí mình phát huy năng lực bản thân, khơi dậy khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của chi bộ, của đơn vị.

Nghị quyết phân công nhiệm vụ ĐV của chi bộ là căn cứ, là cơ sở chính trị để đánh giá, xếp loại ĐV hàng năm, do đó phải được đưa ra tập thể bàn bạc, góp ý và giải trình (nếu có) để mỗi ĐV cảm thấy hài lòng và thống nhất, tránh áp đặt chủ quan, duy ý chí, gây ra hiện tượng chống đối ngầm, thực hiện chiếu lệ, hình thức, làm suy giảm sức chiến đấu của tổ chức đảng và ĐV, mất đi tính tiên phong, gương mẫu của người ĐV. Khi đánh giá, xếp loại ĐV hàng năm, cần đánh giá khách quan, khoa học và toàn diện, đánh giá đúng thực chất và có xem xét các yếu tố khách quan, chủ quan trong xếp loại ĐV để tránh tiêu cực, trù dập nhau trong nội bộ, nhất là trong giai đoạn phòng, chống tham nhũng tiêu cực mạnh mẽ như hiện nay.

Ba là, công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, sàng lọc để đưa ra khỏi Đảng những ĐV không còn đủ tư cách. Công tác kiểm tra, giám sát là một chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng, là một bộ phận trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đây là hoạt động thường xuyên, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ Đảng trong sạch, vững mạnh, giúp Đảng ta giữ gìn bản chất giai cấp, thực sự là Đảng cầm quyền, xứng đáng với sứ mệnh lịch sử và niềm tin mà dân tộc, Nhân dân giao cho. Qua công tác kiểm tra, giám sát, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa được đẩy lùi, phát hiện nhân tố tích cực, nhân tố mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bồi dưỡng, tạo cơ hội cho cán bộ cống hiến, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng.

Qua công tác kiểm tra, giám sát, những vi phạm được phát hiện, xử lý kịp thời, góp phần giữ gìn kỷ cương, kỷ luật, giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đây là cơ hội để Nhân dân tham gia vào công tác xây dựng Đảng, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Đảng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp với lợi ích của Nhân dân, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Công tác sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng những ĐV tha hóa, biến chất, không còn đủ tư cách là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, cần chú trọng phát huy vai trò của cấp ủy, chi bộ, ĐV, nhất là vai trò của quần chúng nhân dân trong việc giám sát, phản biện, góp ý đối với hoạt động của ĐV.

Việc rà soát, sàng lọc cần được thực hiện trên cơ sở những tiêu chí cụ thể, rõ ràng, sát với thực tiễn, chú trọng xem xét phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ năng lực, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của ĐV. Cần kết hợp hài hòa giữa giáo dục, giúp đỡ với xử lý kỷ luật. Đối với những ĐV vi phạm chưa nghiêm trọng, cần tập trung giáo dục, giúp đỡ để họ tự giác sửa chữa sai lầm, nâng cao nhận thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Đối với những ĐV vi phạm nghiêm trọng, vi phạm nguyên tắc, nghị quyết của Đảng, vi phạm pháp luật cần xử lý kỷ luật, đưa ra khỏi Đảng để giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, sàng lọc cần được thực hiện một cách thận trọng, khách quan, công bằng, tránh oan sai, gây chia rẻ, mất lòng tin trong nội bộ Đảng; việc xem xét, xử lý ĐV cần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ, để Đảng ta thực sự là một Đảng của Nhân dân, giàu tính nhân văn và tính cách mạng.

Để thực hiện tốt công tác ĐV, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong Đảng và Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mỗi người dân, trước hết là mỗi ĐV phải nắm vững, hiểu sâu những vấn đề căn cốt của Đảng. Đây là vấn đề cơ bản và quan trọng để giúp ĐV hiểu được ý nghĩa, giá trị, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, đồng thời quan tâm chất lượng công tác phát triển Đảng để mỗi ĐV thực sự là đại biểu tiên phong, gương mẫu của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động. Có được như thế, Đảng mới thực sự là chỗ dựa, là niềm tin của Nhân dân, là người lãnh đạo thực sự của sự nghiệp cách mạng nước ta qua các giai đoạn lịch sử và trong thời kỳ đổi mới.

Huỳnh Văn Mến

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn