Công tác tư tưởng trước thực trạng tin giả
Cập nhật ngày: 31/07/2019 15:58:20
ĐTO - Thông tin là một trong những nhu cầu cơ bản của con người, có vai trò duy trì và phát triển xã hội loài người. Nhu cầu thông tin mới, lạ (tiếp nhận/lan truyền) là nguyên nhân làm cho thông tin được chuyển từ người này đến người khác, từ vùng miền này đến vùng miền khác, từ thế hệ trước đến thế hệ sau.
Khi mối quan hệ của con người với con người và với môi trường chung quanh mở rộng thì nhu cầu thông tin cũng như khối lượng thông tin tăng lên. Trong quá trình lan truyền, thông tin nguồn có thể giữ nguyên nội dung, cũng có thể bị thay đổi, dị bản, thậm chí bị xuyên tạc, do trình độ, kinh nghiệm, nhận thức, mục đích... của người tiếp nhận thông tin.
Ngoài việc thông tin những vụ việc đã và đang xảy ra, con người còn tạo ra thông tin nhằm phục vụ mục đích của mình. Do đó, có tin thật và tin giả, thật giả lẫn lộn.
Lịch sử cho thấy tin giả xuất hiện song song với tin thật.
Những hoạt động tuyên truyền của phát xít Đức về dân tộc thượng đẳng/ hạ đẳng để tiêu diệt người Do Thái, gây ra một trong những tội ác diệt chủng lớn nhất lịch sử loài người, được xem là điển hình trong việc tạo tin giả một cách có hệ thống của thế giới.
Mỹ phát động cuộc tấn công Iraq năm 2003 với tin giả là Tổng thống Iraq S.Hussein sản xuất vũ khí sinh học hủy diệt hàng loạt.
Trước đó, sự kiện Vịnh Bắc bộ năm 1964, mở đường cho đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam đã được khẳng định là tin giả.
Vụ nước mắm truyền thống nhiễm arsen có hại sức khỏe năm 2016 làm cho ngành sản xuất này lao đao, hay thông tin về vụ cảnh sát trấn áp bằng bạo lực những người biểu tình phản đối Dự luật đặc khu kinh tế và Dự luật An ninh mạng năm 2018 đã góp phần kích động gây bạo loạn đều là tin giả.
Tại Đồng Tháp, không ít lần có thông tin trên mạng xã hội việc Thanh tra Chính phủ vào xét lại vụ khiếu kiện đất Khu Di tích Gò Tháp, Rừng tràm Gáo Giồng... dẫn đến tụ tập đông người, ảnh hưởng an ninh trật tự, hình ảnh địa phương.
Cho thấy, tin giả không chỉ được nhà cầm quyền tạo ra để phục vụ cho mục đích chính trị của mình mà còn có tổ chức, cá nhân tạo ra tin giả cũng nhằm mục đích nào đó, như lợi ích kinh tế, hãm hại tổ chức/cá nhân khác, hoặc để trở thành người nổi tiếng.
Trước đây, tốc độ lan truyền thông tin chậm, qua truyền miệng, báo in. Khi phát thanh, truyền hình ra đời thì thông tin nhanh hơn, nhưng vẫn chậm nếu so với thông tin trên các trang mạng xã hội trên nền tảng Internet với tốc độ lan truyền được tính bằng giây ở phạm vi toàn cầu. Và cũng trên các trang mạng xã hội, do ai cũng có thể cung cấp và phát tán thông tin không được kiểm duyệt, kiểm chứng, do đó rất khó phân biệt thật giả.
Trước tình hình đó, công tác tưởng và những người làm công tác tư tưởng đứng trước không ít khó khăn, thách thức.
Lịch sử Việt Nam nói chung, từ khi có Đảng đến nay, công tác tuyên truyền giáo dục luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Hiện nay, công tác tư tưởng của Đảng, Nhà nước ta vẫn được xác định có vai trò hàng đầu trong việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhằm biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực, thành phong trào hành động cách mạng của quần chúng; tạo nên sự thống nhất cao trong tổ chức đảng, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, có sức chiến đấu cao và không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Để thực hiện công tác tư tưởng, ngoài tuyên truyền miệng và những phương thức khác thì các phương tiện thông tin đại chúng với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại ngày càng được sử dụng rộng rãi đã mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, với việc tin giả xuất hiện tràn lan, những người làm công tác tư tưởng nếu không có kiến thức cần thiết ở lĩnh vực được phân công, thiếu bản lĩnh, nóng vội không kiểm tra nguồn, thậm chí bị lợi ích chi phối, có thể dẫn đến việc tiếp tay phát tán tin giả dẫn đến hậu quả khó lường, đó là bất ổn nhân tâm, mất an ninh trật tự, nhân dân mất niềm tin vào Đảng và chế độ...
Thời gian qua, có tờ báo bị đình bản, biên tập viên và phóng viên bị kỷ luật do đăng tải tin giả, thật giả lẫn lộn đã chứng minh điều đó.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin của người làm công tác tư tưởng cũng đứng trước nguy cơ khi thông tin của mình sau khi đưa lên trang điện tử hoặc mạng xã hội bị cắt ghép, trong khi người tiếp nhận thiếu quan tâm hoặc không có điều kiện kiểm tra nguồn.
Sử dụng thông tin chính thống; khai thác có chọn lọc thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các trang mạng xã hội, đồng thời kiểm tra chéo thông tin từ nhiều nguồn khác; vạch trần, lên án thông tin giả, xuyên tạc... không phải là cách làm mới nhưng luôn chứng minh hiệu quả trong công tác tư tưởng, nhất là khi tin giả tràn lan trên mạng xã hội hiện nay.
Hữu Ý