Đảng là ánh sáng soi đường cho quân và dân xã Đốc Binh Kiều anh hùng

Cập nhật ngày: 02/02/2018 14:42:57

ĐTO - Đã 88 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3/2/1930 - 3/2/2018), như nhiều địa phương khác trong cả nước, dưới ngọn cờ của Đảng, quân và dân xã Đốc Binh Kiều (huyện Tháp Mười) đã vượt qua muôn vàn thử thách, giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi đó không chỉ trong sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược mà còn trên bước đường phát triển của thời kỳ đổi mới.


Xã Đốc Binh Kiều quan tâm xây dựng giao thông nông thôn

Đảng là ngọn đuốc soi đường để cách mạng thắng lợi

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân và dân xã Đốc Binh Kiều anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công hiển hách. Đặc biệt, phong trào cách mạng của xã Đốc Binh Kiều có bước tiến dài kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Theo lịch sử truyền thống cách mạng xã Đốc Binh Kiều, Đại hội thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Đốc Binh Kiều đã tổ chức vào tháng 2/1946, tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Biện (một đảng viên tù Côn Đảo về xã hoạt động). Chi bộ có 5 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Biện làm Bí thư.

Ngay sau khi thành lập, Chi bộ lãnh đạo việc truyên truyền giúp quần chúng nhận ra âm mưu thâm độc lâu dài của bọn thực dân cướp nước, khơi dậy lòng yêu nước, kêu gọi toàn dân đoàn kết, đấu tranh chống quân xâm lược; tuyên truyền để người dân thấy được một xã hội tốt đẹp, độc lập, tự do mà Đảng ta đang phấn đấu xây dựng. Nghị quyết Chi bộ cũng đề ra chỉ tiêu mỗi đảng viên phải bồi dưỡng, giới thiệu 3 quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng. Cuối năm 1947, Chi bộ xã Đốc Binh Kiều phát triển lên thành Đảng bộ với 50 đảng viên.

Từ khi có Chi bộ Đảng và chính quyền lãnh đạo (năm 1946), phong trào cách mạng ở xã Đốc Binh Kiều ngày càng phát triển. Cán bộ, đảng viên, quân và dân Đốc Binh Kiều đoàn kết, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, anh dũng chiến đấu chống thực dân Pháp, giành thắng lợi vẻ vang. Đồng chí Nguyễn Văn Bình - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã Đốc Binh Kiều cho biết: Do có vị trí địa lý trọng yếu ở khu vực Đồng Tháp Mười nên xã Đốc Binh Kiều là căn cứ của nhiều cơ quan như: Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, Sở Công an, Giáo dục, Y tế, Thông tin, Nhà in Trần Phú... Quân và dân Đốc Binh Kiều tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ các cơ quan đầu não trên.

Trong giai đoạn chống Mỹ, cũng với sự lãnh đạo của Đảng ủy xã Đốc Binh Kiều, năm 1960, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Đốc Binh Kiều đồng khởi, tự lực, tự cường chiến đấu và xã hoàn toàn được giải phóng. Sau đó, địch tái chiếm lại. Cán bộ, chiến sĩ và người dân Đốc Binh Kiều tiếp tục chiến đấu, giải phóng xã lần thứ hai và thứ ba (giai đoạn 1961 - 1967). Đảng ủy xã Đốc Binh Kiều lãnh đạo chống phá bình định thành công; tự giải phóng hoàn toàn quê hương vào lúc 17 giờ ngày 30/4/1975, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đảng bộ, quân và dân xã Đốc Binh Kiều vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1976.

Gắn xây dựng Đảng với phát triển kinh tế

Suốt thời gian qua, Đảng ủy xã Đốc Binh Kiều đặc biệt quan tâm thực hiện công tác xây dựng Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Hiệp - Bí thư Đảng ủy xã Đốc Binh Kiều thông tin: “Từ Chi bộ ban đầu với 5 đảng viên, đến nay, Đảng bộ xã Đốc Binh Kiều phát triển lên 360 đảng viên, có 16 chi bộ trực thuộc. Công tác kiểm tra giám sát, Quy chế dân chủ cơ sở, đoàn kết nội bộ... được Đảng ủy xã lãnh đạo thực hiện hiệu quả. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ xã Đốc Binh Kiều đều đạt trong sạch, vững mạnh và trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”. Đảng viên Nguyễn Thanh Hải ở ấp 3, xã Đốc Binh Kiều chia sẻ: “Những năm qua, Đảng bộ xã không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị. Cuộc sống người dân trong xã sung túc hơn”.


Vườn nhãn trĩu quả trên vùng đất Đốc Binh Kiều chua phèn năm xưa

Đất nước hòa bình, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Đốc Binh Kiều tiếp tục chiến đấu trên mặt trận mới - mặt trận phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đảng ủy xã lãnh đạo phát huy thế mạnh nông nghiệp của địa phương, xây dựng hệ thống thủy lợi. Đến nay, hơn 96% tổng diện tích đất sản xuất của xã có đê bao bảo vệ và tưới tiêu bằng trạm bơm điện. Lúa sản xuất 3 vụ/năm, năng suất khá cao.

Gần đây, xã còn phát triển mạnh phong trào trồng cây ăn trái như nhãn, sầu riêng, chôm chôm... với diện tích trên 245ha. “Nhờ có hệ thống thủy lợi mà đất đai được rửa phèn. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2014, tôi trồng 3 công nhãn idol, hiện đang cho trái vụ đầu tiên. Tôi định tiếp tục cải tạo trồng nhãn thêm 5 công nữa” - chú Nguyễn Văn Đực ở ấp 5 cho hay.

Với sự lãnh đạo của Đảng và nỗ lực của nhân dân, vùng đất bị chiến tranh tàn phá, nhiễm phèn năm xưa đang chuyển mình mạnh mẽ. Đốc Binh Kiều đã đạt chuẩn xã nông thôn mới vào cuối năm 2015. Hệ thống giao thông của xã khá hoàn chỉnh; 5/5 ấp đều có đèn đường, tổng chiều dài hơn 40km; hộ nghèo giảm còn 5,6%; thu nhập bình quân đầu người khoảng 37 triệu đồng/năm; tỷ lệ nhà kiên cố chiếm trên 70%. Bác Nguyễn Văn Quang (SN 1947) ngụ ấp 5 phấn khởi nói: “Tôi sống ở Đốc Binh Kiều đã lâu. Sau giải phóng, do hậu quả chiến tranh, nhà cửa tan hoang, cuộc sống thiếu thốn. Mấy chục năm qua, quê hương không ngừng phát triển, thay đổi rõ nét. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân chúng tôi cải thiện đáng kể”.

Xuyên suốt quá trình kháng chiến chống quân xâm lược, khắc phục hậu quả chiến tranh và phát triển địa phương, Đảng luôn là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và dân Đốc Binh Kiều. Có thể khẳng định, một trong những nguyên nhân cốt yếu giúp quê hương Đốc Binh Kiều “thay da, đổi thịt” như hôm nay chính là nhờ có tổ chức Đảng lãnh đạo.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn