Đào tạo lý luận chính trị phải mang lại hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí
Cập nhật ngày: 13/05/2013 04:03:39
Từ năm 2006 đến 2012, từ cấp huyện và tương đương trở lên đã đưa đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị - hành chính 914, trung cấp 4.556, sơ cấp 11.223 cán bộ.
Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng, tập trung việc ngày càng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ năm 2006 - 2012, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo lý luận chính trị.
Đầu mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ tới của cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, trong đó có đào tạo lý luận chính trị đối với cán bộ được quy hoạch nhưng chưa đủ chuẩn. Từ đó, đội ngũ cán bộ của tỉnh được quy hoạch đều được đào tạo lý luận chính trị đúng chuẩn trước khi bổ nhiệm hoặc ứng cử vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Trong những năm qua, công tác đào tạo lý luận chính trị được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, đã đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ lý luận chính trị đạt chuẩn chức danh cán bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Tuy nhiên, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy hiện nay chưa kích thích được tính tích cực, tự giác của người học, dẫn đến chất lượng đào tạo còn hạn chế.
Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần thường xuyên quan tâm công tác đào tạo lý luận chính trị, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có đào tạo lý luận chính trị nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí; cử cán bộ đi học phải gắn với quy hoạch cán bộ, sau đào tạo phải bố trí, phân công hợp lý; phải biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, vì đào tạo lý luận chính trị là đào tạo cán bộ, là quá trình tập dượt để cán bộ thực hiện nhiệm vụ sau đào tạo. Đây cũng là những kinh nghiệm chủ yếu được rút ra từ thực tiễn của công tác đào tạo lý luận chính trị trong thời gian qua.
Đồng Dao