Dấu ấn 100 ngày tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh

Cập nhật ngày: 01/09/2024 18:34:26

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240901063605dt1-4.mp3

 

ĐTO - Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, kết thúc sự xâm lược của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Theo điều 11 Hiệp định Genève quy định quân đội 2 bên ngừng bắn hoàn toàn từ 8 giờ ngày 27/7/1954 ở Bắc Bộ, từ 8 giờ ngày 1/8/1954 ở Trung Bộ và 8 giờ ngày 11/8/1954 ở Nam Bộ. Điều 15 khoản f mục 2 ấn định khu vực tập kết, thời điểm chuyển quân đội và cán bộ kháng chiến ở Nam Bộ tại 3 khu vực như sau: khu Hàm Tân - Xuyên Mộc 80 ngày; khu Đồng Tháp Mười 100 ngày; khu Cà Mau 200 ngày. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy Long Châu Sa bố trí 2 bộ phận: 1 bộ phận lo chỉ đạo tập kết bộ đội, 1 bộ phận lo chỉ đạo chuyển hướng công tác. Tỉnh thành lập Ủy ban Quân Quản đặc trách tiếp quản quận lỵ Cao Lãnh và tập kết chuyển quân, việc bàn giao tiếp quản quận lỵ trong ngày 15 và 16/8/1954.


Ngôi mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được bộ đội xây dựng lại trước khi tập kết ra Bắc (tháng 10/1954)

Chiều ngày 16/8/1954, ta tổ chức cuộc miting lớn, có 15.000 người tham dự.

Cao Lãnh, cái nôi của cách mạng tỉnh Đồng Tháp, là căn cứ kháng chiến của tỉnh Long Châu Sa cũ, giờ đây lại hân hạnh đón tiếp đoàn quân chiến thắng từ các tỉnh trở về. Đây là điều kiện thuận lợi cho phong trào cách mạng ở quận Cao Lãnh; Nhân dân Cao Lãnh đã tận mắt nhìn phong thái của anh bộ đội Cụ Hồ; đã thấy được bản chất của chế độ mới mà họ hằng mong ước, qua nhiều năm đấu tranh sinh tử với quân thù. Hình ảnh một chế độ xã hội mới được thể hiện và thu hẹp trong phạm vi một quận với thời gian 100 ngày, đó cũng là thời gian hội tụ những bông hoa tươi thắm của cách mạng. Những bông hoa này được gieo trồng, bằng hình ảnh tốt đẹp, để lại trên đất Cao Lãnh, sau 100 ngày tập kết chuyển quân những hương sắc tinh túy của rừng hoa cách mạng.

Bắt đầu từ ngày 20/8/1954, vùng tập kết Cao Lãnh tiếp nhận đoàn bộ đội tập kết của các tỉnh quân khu 8 (Việt Nam) và quân khu 6 (Campuchia) dồn dập chuyển về được bố trí ở nhà Nhân dân các xã: Hòa An, Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Tân Thuận Tây, Tân Thuận Đông, Tịnh Thới, An Bình,... Các đơn vị bộ đội chia nhau đóng rải trong các nhà dân, cho nên khu vực tập kết không chỉ bó hẹp trong nội ô thị trấn Cao Lãnh mà còn trải dài khắp các xã lân cận như: Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Tịnh Thới, Mỹ Trà, Mỹ Thọ, Nhị Mỹ cho tới Ba Sao giáp Đồng Tháp Mười... Chỉ trong thời gian ngắn, quận lỵ Cao Lãnh đã thay da đổi thịt, hình thành nếp sống mới. Đặc biệt, anh bộ đội Cụ Hồ thi hành chủ trương của Tỉnh ủy Long Châu Sa đã cùng đồng bào Cao Lãnh dựng đài liệt sĩ tại quận lỵ, chỉnh trang ngôi mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ kính yêu. Hình ảnh người cán bộ Việt Minh, “anh Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng trở nên thân thương, tin yêu trong mọi gia đình nơi tập kết cũng như những người đến thăm viếng, tiễn đưa thân nhân đi tập kết, tạo niềm tin và sức mạnh đấu tranh chống địch sau nầy.

Thành phần đoàn tập kết ra Bắc của tỉnh Long Châu Sa gồm cán bộ, bộ đội, Tiểu đoàn 309, 311, học sinh là con em gia đình cách mạng đưa ra Bắc để đào tạo cán bộ... Việc chuyển quân chia làm 3 đợt: đợt 1 cuối tháng 8, đợt 2 tháng 9 và đợt 3 tháng 10 năm 1954, tổng cộng chuyển gần 4.000 người xuống các tàu Liên Xô, Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan tại bến Bắc Cao Lãnh để chuyển ra bãi Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa.

Chuyến tàu đầu tiên rời bến vào lúc 17 giờ ngày 6/10/1954 và chuyến tàu cuối cùng vào 12 giờ ngày 29/10/1954.

Trước khi chuyến tàu cuối cùng rời bến bắc Cao Lãnh, sáng ngày 28/10/1954, tại công sở Mỹ Trà, bản Báo cáo của đại diện chính quyền và Quân đội nhân dân Việt Nam, Biên bản về việc giao chính quyền thị trấn Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh cho Quân đội Liên hiệp Pháp tiếp quản trong thời gian Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève đã được phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên hiệp Pháp ký xác nhận.


Các mẹ, các chị lưu luyến tiễn đưa người thân đi tập kết, căn dặn đường xa hãy giữ gìn sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ. Ở lại quê nhà, mọi việc có chúng tôi đảm trách

Ngày 29/10/1954, hàng ngàn đồng bào từ các nơi kéo về bến Bắc Cao Lãnh lưu luyến tiễn đưa chồng, con, em xuống chuyến tàu cuối cùng ra Bắc, người đi đưa 2 ngón tay hẹn 2 năm sau gặp lại. Với khẩu hiệu “Đi vinh quang, ở lại anh dũng”, các cán bộ, đảng viên, bộ đội du kích được chọn ở lại học tập về tình hình mới, chiến lược, sách lược mới, phương châm, phương thức đấu tranh mới.

Nhằm thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam năm xưa đã không ngại hy sinh, gian khổ để ra Bắc học tập, công tác, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị lực lượng mọi mặt tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Công trình Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được khởi công xây dựng từ tháng 9/2017 trên khuôn viên 12.000m2, ngay tại địa điểm diễn ra sự kiện Tập kết năm 1954, bao gồm các hạng mục: tượng đài và phù điêu, sân lễ đài, sân đường, hoa viên cây xanh, hồ nước, hệ thống cấp nước tưới cây, cấp điện chiếu sáng và chống sét.

Tượng được chọn từ cuộc thi sáng tác với chủ đề “Con ra thưa với cụ Hồ, Việt Nam chung một ngọn cờ mà thôi”. Tỉnh đã chọn xây dựng hình tượng 2 nhân vật: Người mẹ lưu luyến tiễn con đi tập kết, đứng trên đài sen cách điệu; 2 bên tượng đài là 2 bức phù điêu, thể hiện hình dáng con tàu cách điệu ghi lại sự kiện 100 ngày bộ đội, cán bộ Dân chính Đảng, học sinh tập kết tại Cao Lãnh với những hoạt động thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa quân và dân.

Di tích Quốc gia Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh được xây dựng bên bờ sông Tiền, phía bên phải bến phà Cao Lãnh và cách 100m về phía thượng lưu thuộc Phường 6, TP Cao Lãnh.

Sau hơn 2 năm thi công, ngày 29/10/2019, công trình được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Ngày 24/2/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 392/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đối với Di tích Lịch sử địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.


Khu di tích Tượng đài tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh

Ngày 29/10/2023, UBND tỉnh tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia “Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” (Phường 6, TP Cao Lãnh). Công trình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất bình chọn là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của tỉnh năm 2023.

“Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa to lớn, ghi lại dấu ấn sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954, là “Địa chỉ đỏ” giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau, nhất là thế hệ trẻ; là nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống cho học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh.

TUYẾT NGỌC


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Tập I (1927 - 1954), NXB, Chính trị quốc gia Sự thật, 2020.

2. Thành ủy Cao Lãnh, Lịch sử truyền thống và cách mạng thị xã Cao Lãnh (1930 - 2005), Sở Thông tin và Truyền thông Đồng Tháp, 2012.

3. Thành ủy Cao Lãnh, Tuổi trẻ và sự nghiệp phong trào đấu tranh của học sinh Cao Lãnh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (Tái bản lần thứ nhất), Công ty Cổ phần In và Bao bì Đồng Tháp, 2018.

4. Nguyễn Long Trảo (Sưu tầm và ghi chép), 21 năm nối lại đôi bờ, NXB. Tổng hợp TP. HCM, 2019.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn