Dấu ấn tăng trưởng xanh trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Cập nhật ngày: 11/04/2024 10:12:29

ĐTO - Các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố triển khai cụ thể hóa kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của UBND tỉnh với nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đơn vị, địa phương. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng xanh đối với các ngành, lĩnh vực mamg lại nhiều kết quả tích cực, nổi bật là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh.


Nhiều hộ dân áp dụng nuôi thủy sản theo hướng an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các đơn vị có liên quan giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán nông nghiệp tham dự hoạt động kết nối cung cầu để tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Điển hình như: tham gia chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”; Ngày hội trái cây năm 2023 tại tỉnh Tiền Giang; Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023; Tọa đàm phổ biến thông tin, quy định của thị trường Trung Quốc và các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Đồng Tháp với doanh nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc)... nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương.

Tỉnh xây dựng, vận hành, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại địa chỉ website: www.trace.dacsandongthaptxng.vn. Đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ cấp tài khoản cho hơn 60 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng hệ thống để nhập thông tin gần 360 sản phẩm lên hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, có các sản phẩm chế biến liên quan đến các ngành hàng chủ lực như: khô cá tra, xoài sấy dẻo, cơm gạo lứt hạt sen, trà tim sen, trà lá sen... Bên cạnh đó, ngành hữu quan triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử; tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử; hội thảo phát triển thương mại điện tử.

UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo Kết luận số 250 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI. Từ đó, sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2023 tiếp tục phát triển ổn định, nông sản được tiêu thụ thuận lợi, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt khoảng 49.478 tỷ đồng (tăng khoảng 2.180 tỷ đồng so với năm 2022). Quý 1/2024, tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản phát triển ổn định, nông sản tiêu thụ thuận lợi. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản ước đạt 16.014 tỷ đồng, tăng 1,98% so với cùng kỳ năm 2023 (tương ứng tăng 311 tỷ đồng), bằng 31,3% kế hoạch năm.

Tiếp tục triển khai Đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp, mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi dần chuyển sang các loại cho giá trị cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình tiêu thụ được bảo đảm, không ùn ứ; tình hình tiêu thụ lúa gạo, hoa màu thuận lợi với giá bán tăng, làm điểm sáng trong phục hồi và phát triển của khu vực 1. Thống kê của ngành chức năng cho thấy, mức tăng trưởng giá trị tăng thêm khu vực nông - lâm - thủy sản của tỉnh trong năm 2023 đạt 4,51%.

Công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có được thực hiện tốt, sử dụng hợp lý, phát triển bền vững tài nguyên rừng, giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng, chú trọng công tác phát triển rừng. Đặc biệt, đối với rừng sản xuất, chọn loại cây trồng phù hợp, cây giống đảm bảo chất lượng và áp dụng các biện pháp chăm sóc và nuôi dưỡng rừng trồng tạo điều kiện để cây rừng sinh trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Duy trì ổn định diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh là 11.705ha; trong đó diện tích đất có rừng là 6.04ha, diện tích khác (đất trống, đồng cỏ, mặt nước) là 5.644ha, tỷ lệ che phủ rừng là 1,68%.

UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục theo dõi các dự án công trình cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, thủy lợi nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới, tiêu chủ động, bảo đảm chất lượng nước cho các vùng chuyên canh lúa, vùng sản xuất tập trung, đáp ứng quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, tiết kiệm, hiệu quả.

NGỌC TÂM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn