Để “thanh bảo kiếm của chế độ” sắc gọn, thanh sạch
Cập nhật ngày: 18/12/2018 06:08:38
Xử lý nghiêm các sai phạm còn cảnh tỉnh những người đang được trao quyền lực hãy làm tốt phận sự, coi trọng danh dự và đạo đức.
Sau khi tòa tuyên án đối với 2 cựu cán bộ công an trong vụ “bảo kê đánh bạc nghìn tỉ”, cuối tuần qua, cơ quan điều tra lại khởi tố hai nguyên Thứ trưởng Bộ Công an về tội “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là việc làm nghiêm khắc, cần thiết để xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh.
Phải thật công bằng mà nói, đại đa số cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an hiện có mức sống trung bình, thu nhập hoàn toàn từ tiền lương nhà nước. Nhiều người trong số đó có hoàn cảnh khó khăn và đa số cán bộ, chiến sĩ vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân.
Nhưng không thể không nói rằng, một bộ phận cán bộ công an (kể cả sĩ quan giữ chức vụ cao) đã làm “hao hụt” niềm tin trong nhân dân do thoái hóa, biến chất; do lạm dụng quyền lực được giao để vun vén cá nhân; che chắn, bảo vệ cho nhóm lợi ích của mình.
Không phải nhân dân không biết; không phải cán bộ, chiến sĩ ở nơi làm việc của họ không biết; không phải cấp ủy nơi họ sinh hoạt và cấp trên không nghe tiếng xì xèo.
Nhưng cái khó là những phần tử thoái hóa, biến chất lại đang giữ một vị trí lãnh đạo nào đó, hoặc có mối quan hệ “thân hữu”, “cánh hẩu” với người có quyền lực trong và ngoài lực lượng. Và cũng vì thế mà các cá nhân và nhóm lợi ích thoái hóa này trượt dài trên con đường phạm pháp.
Không phải vô cớ mà dư luận xã hội đặt dấu hỏi về trách nhiệm đối với lực lượng công an về những hành vi vi phạm pháp luật đã và đang diễn ra. Chẳng hạn: những đoàn xe quá tải chạy trên các tuyến đường - có thật là công an không biết? Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại; tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản vô tội vạ - liệu có ai che chắn?
Nạn đòi nợ thuê, tín dụng đen, nạn cờ bạc, các đối tượng “xã hội đen” lộng hành - liệu có ai bảo kê? Quyết định kiểm tra doanh nghiệp, khởi tố, rồi “chìm xuồng” - liệu có ai nhũng nhiễu, vòi vĩnh? Thậm chí những việc nhỏ, như quán bia lấn chiếm vỉa hè - thì ai đứng đằng sau?...
Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt rạch ròi giữa lực lượng công an và những cá nhân trong ngành mắc sai phạm, khuyết điểm, vi phạm pháp luật. Nếu cho rằng, việc công khai khuyết điểm, sai phạm; việc xử lý kỷ luật, khởi tố điều tra không ít cán bộ công an thời gian qua đồng nghĩa với “nói xấu lực lượng” là không đúng.
Nhưng nếu chỉ vì những cá nhân sai phạm mà “vơ đũa cả nắm”, phủ nhận sạch trơn thành tích, chiến công, cả những hy sinh, mất mát lặng thầm của nhiều cán bộ chiến sĩ công an, thì đó lại là thái độ thiên lệch, thiếu thiện chí và hết sức cực đoan về lực lượng công an nhân dân.
Việc kỷ luật nghiêm khắc hay truy cứu trách nhiệm hình sự một số tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong lực lượng công an thời gian gần đây được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc làm đó càng tăng thêm ý chí, sức mạnh của các cán bộ, chiến sĩ trong ngành, củng cố niềm tin của nhân dân vào lực lượng công an.
Xử lý nghiêm các sai phạm còn cảnh tỉnh những người đang được trao quyền lực hãy làm tốt phận sự, coi trọng danh dự và đạo đức người công an nhân dân trên danh lợi tầm thường; cảnh báo những ai “đã trót nhúng chàm thì hãy tự gột rửa và đứng lên” nếu không muốn phải trả giá đắt.
Song hành với chống các cá nhân có hành vi tiêu cực trong lực lượng thì vấn đề tinh giản biên chế, giảm bớt các thủ tục hành chính không còn cần thiết... đang được Bộ Công an thực hiện quyết liệt được dư luận đánh giá cao.
Người dân cả nước đang quan tâm theo dõi và ghi nhận công an là lực lượng tiên phong trong sắp xếp bộ máy; gương mẫu “nói đi đôi với làm” để “thanh bảo kiếm của chế độ” vừa nhẹ, vừa sắc, vừa sạch - vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Ngọc Năm/VOV