Đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày: 31/10/2023 07:57:42

Chiều nay (31/10), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.


Đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phiên thảo luận dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày làm việc, được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi.

Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 vừa qua, năm 2023, kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.

Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nhu cầu thị trường trong nước bị thu hẹp, xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm; tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp rất nhiều khó khăn…

Bên cạnh các nội dung trên, trong 1,5 ngày làm việc ở hội trường, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trước đó, thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội ngày 24/10, các ý kiến đề nghị cần phân tích cụ thể những hạn chế, tồn tại, yếu kém và nguyên nhân của những tồn tại đó, đồng thời đề xuất các giải pháp căn cơ, tránh dàn trải; đặc biệt cần đẩy nhanh đầu tư công để tháo gỡ các điểm nghẽn hiện nay, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), sau đó thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Theo VĂN TOẢN (NDO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn