Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị

Cập nhật ngày: 17/02/2022 13:52:16

ĐTO - Qua triển khai thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trên các lĩnh vực như: công tác tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu... phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.


Tinh thần và trách nhiệm phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức ở cơ sở ngày được nâng cao

Từ các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp kịp thời ban hành Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Nhất là mạnh dạn phân cấp, phân quyền, xác định rõ hơn trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác cán bộ; Quy định về tiêu chuẩn chức danh thuộc diện quản lý và Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kịp thời hướng dẫn các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tỉnh triển khai thực hiện và cụ thể hóa quy định đối với cán bộ thuộc diện quản lý theo phân cấp.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm và từng bước đi vào nền nếp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Chú trọng nâng cao chất lượng đối với các cán bộ dự nguồn các cấp ủy; chất lượng Bí thư, Phó Bí thư, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong các nhiệm kỳ tiếp theo.

Việc giải quyết chính sách cho cán bộ và người có công được chú trọng, tỉnh đã giải quyết chính sách cho nhiều cán bộ theo Nghị định số 46; Nghị định số 108 và Nghị định số 26 của Chính phủ. Hàng năm, tổ chức tham quan, nghỉ mát, thăm hỏi, tặng quà cho các đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã nghỉ hưu và đảng viên được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trở lên (không giữ chức vụ). Thực hiện tốt việc xét duyệt, công nhận cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa đã hy sinh, từ trần.

Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần chủ động phòng ngừa khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; phát huy ưu điểm, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện chặt chẽ. Thường xuyên trao đổi thông tin về các nội dung có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề mới phát sinh, được dư luận quan tâm ngay từ cơ sở. Phát hiện dấu hiệu vi phạm để kiểm tra, ngăn ngừa vi phạm khi mới phát sinh; làm rõ vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên để chấn chỉnh, xử lý. Việc thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm bảo đảm nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Cấp ủy các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hóa việc thực hiện quy định của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, trong đó tập trung vào vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Thực hiện cơ chế Bí thư Huyện ủy, Thành ủy và Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân theo định kỳ hoặc đột xuất để kịp thời nắm và chỉ đạo giải quyết bức xúc của Nhân dân. Tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp giữa UBND với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp.

Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới thiết thực. Đặc biệt là các mô hình, phong trào thi đua được phát huy, nhân rộng, xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích của đoàn viên, hội viên. Từ đó, đã vận động, tập hợp đoàn viên, hội viên và được Nhân dân đồng thuận cao, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đề án lớn của tỉnh và địa phương. Công tác rà soát, quản lý, phát triển đoàn viên, hội viên được chú trọng cũng như nắm bắt và phản ảnh tình hình Nhân dân được kịp thời. Với khẩu hiệu hành động “Sáng tạo trong cách nghĩ, mới mẻ trong cách làm, nhịp nhàng trong cách phối hợp”, công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn