Đội ngũ trí thức đóng góp tích cực cho phát triển địa phương

Cập nhật ngày: 07/02/2014 05:28:20

(Lược ghi phát biểu của TS.Nguyễn Văn Đúng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, tại buổi Họp mặt trí thức mừng Xuân Giáp Ngọ 2014)

Đội ngũ trí thức tỉnh Đồng Tháp khá lớn mạnh nhờ sự quan tâm xây dựng bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong tỉnh và sự phấn đấu của bản thân trí thức. Điểm nhấn là từ khi thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp đã đề ra Chương trình hành động số 216-CTr/TU ngày 9/12/2008, tiếp theo là ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,...


Đồng chí Lê Vĩnh Tân - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương,
ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND chụp ảnh lưu niệm với các Tiến sĩ

Kết quả thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng đến nay, số lao động của tỉnh có trình độ cao đẳng 8.672 người, đại học 28.701 người, trên đại học 1.513 người, trong đó có 49 tiến sĩ. Đội ngũ này đã được phát huy trên mọi lĩnh vực, góp phần tích cực vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Về nông nghiệp đã ứng dụng thành công nhiều thành tựu mới trong trồng trọt, chăn nuôi, tạo ra nhiều giống cây, con mới, áp dụng biện pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất hạ giá thành sản phẩm như: ứng dụng công nghệ sinh học trong khâu sử dụng phân bón vi sinh; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn hay cánh đồng liên kết; công nghệ sau thu hoạch;...

Lĩnh vực công nghiệp đã phát huy sáng kiến, cải tiến và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất nhiều loại máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp như: dụng cụ sạ hàng, máy gặt lúa xếp dãy, máy sấy tự đảo, máy suốt lúa cải tiến, máy sấy thức ăn gia súc, máy sấy gạo, máy lau bóng gạo... Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến lương thực, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dược phẩm đã đầu tư thiết bị công nghệ, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nên chất lượng sản phẩm không ngừng được nâng lên, đủ sức cạnh tranh trên thị trường...

Đối với công nghệ thông tin, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của nhân dân. Từ khi triển khai thực hiện Đề án về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, công nghệ thông tin đã hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý nhà nước, xây dựng mạng kết nối thông suốt giữa tỉnh, ngành và địa phương; xây dựng và triển khai các phần mềm dùng chung như quản lý văn thư, soạn thảo văn bản, theo dõi hồ sơ, quản lý tài sản, quản lý đảng viên, cơ sở dữ liệu Văn kiện Đảng bộ tỉnh...

Đội ngũ các y, bác sĩ, dược sĩ đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, nghiên cứu, phát minh nhiều sản phẩm thuốc mới có giá trị điều trị đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh bước đầu thực hiện đúng vai trò tư vấn, phản biện, có nhiều hoạt động đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện Liên hiệp các hội có 21 Hội thành viên với hơn 25 vạn hội viên, đã huy động đội ngũ trí thức nỗ lực phấn đấu hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh; đoàn kết tập hợp đội ngũ trí thức KHCN trong tỉnh thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn