Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (01/02/1902 - 01/02/2022):
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc - tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản
Cập nhật ngày: 09/02/2022 16:27:40
ĐTO - Từ một trí thức yêu nước nhiệt thành trở thành người chiến sĩ tiêu biểu, mẫu mực, đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1902 – 1931) là một trong những người tiên phong trong thực hiện con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc (01/02/1902-01/02/2022)
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc (tên thật là Nguyễn Đình Sắc) sinh ngày 01/02/1902 tại Hà Nội, thuộc lớp học trò đầu tiên của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, là cán bộ tiền bối, có công lao to lớn trong buổi đầu xây dựng Đảng và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Đồng chí là tấm gương sáng, là người lãnh đạo mẫu mực tiêu biểu, tận trung với Đảng, với nước, tận hiếu với dân, kiên cường bất khuất trước quân thù, giữ trọn khí tiết của người đảng viên, người cách mạng. Tên tuổi đồng chí Nguyễn Phong Sắc gắn liền với lịch sử của quá trình xây dựng, phát triển của Đảng bộ Trung Kỳ, với Xô viết Nghệ - Tĩnh oanh liệt.
Tháng 6/1929, ngay sau khi tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí được phân công vào Trung Kỳ để xây dựng tổ chức đảng và phong trào cách mạng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc lập ra Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng; chỉ đạo ra tờ báo Bônsơvích. Đồng chí vận động các chi bộ Thanh niên, Tân Việt xin gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc tiếp tục cho xây dựng tổ chức đảng ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số tỉnh của Lào.
Cuối năm 1929, Nguyễn Phong Sắc lập Phân ban Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng, đặt trụ sở tại Đà Nẵng. Đầu năm 1930, sau Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là Ủy viên Trung ương lâm thời và tiếp tục được Đảng giao phụ trách Trung Kỳ.
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đặc biệt chú ý vấn đề bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở của Đảng. Đồng chí chỉ đạo Kỳ bộ ra báo Người lao khổ và trực tiếp định hướng công tác tư tưởng, chỉ đạo công tác lãnh đạo phong trào cách mạng của các tổ chức đảng. Bí thư Nguyễn Phong Sắc trực tiếp truyền đạt cho các tổ chức đảng của Kỳ bộ những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh của Đảng được thông qua ở Hội nghị thành lập Đảng. Đồng chí căn dặn các tổ chức đảng phải biết chọn lựa những người biết đặt quyền lợi chung của cách mạng, của dân tộc, của Đảng lên trên quyền lợi riêng; gan dạ, vững vàng trước mọi vũ lực và thủ đoạn mua chuộc, lừa phỉnh của kẻ thù. Có như vậy, Đảng mới vững, mới hoàn thành vai trò tiên phong lãnh đạo dân chúng giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hương Cảng (Trung Quốc) đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí tiếp tục được Đảng phân công phụ trách Trung Kỳ.
Ngày 20/4/1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lãnh đạo phát động quần chúng đấu tranh nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, nhằm biểu dương lực lượng, đòi những quyền lợi thiết thực cho công nông. Những cuộc đấu tranh liên tiếp ở Nghệ - Tĩnh đã hợp thành một đợt “sóng thần” cuốn trôi chính quyền địch ở một số làng xã và các huyện; trên khí thế đó đã hình thành tự phát một kiểu chính quyền hoàn toàn mới là “chính quyền Xô viết” ở các làng xã.
Ngày 3/5/1931, sau khi phổ biến Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai cho Xứ ủy Bắc Kỳ tại Hải Phòng trở về Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã bị địch bắt. Đồng chí đã hy sinh ngày 25/5/1931, sau nhiều ngày bị địch tra tấn.
Trong những ngày đấu tranh sôi động, đồng chí Nguyễn Phong Sắc không quản gian khổ, hy sinh, làm việc hết mình cho sự thắng lợi của các cuộc đấu tranh. Sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của Bí thư Nguyễn Phong Sắc là một yếu tố làm cho phong trào phát triển rất nhanh, rất mạnh, chính quyền Xô viết được thành lập ở nhiều địa phương, chẳng những quần chúng đòi được nhiều lợi quyền mà còn làm cho kẻ thù nhận thấy, từ khi nước Pháp đặt nền đô hộ trên đất nước Việt Nam, chưa bao giờ có một nguy cơ nào đe dọa an ninh nội bộ lớn hơn, thực sự hơn lúc này.
Tuy trong hoàn cảnh rất khó khăn, phong trào bị khủng bố đẫm máu, hầu hết các cơ sở đảng và tổ chức quần chúng bị địch phá vỡ, nhưng chúng không thể tiêu diệt được một lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo, rộng khắp với ý chí và niềm tin sắt son vào Đảng, vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Thực tiễn lịch sử cho thấy, sau thời kỳ bị “khủng bố trắng”, toàn bộ Xứ ủy bị bắt, bị giết, bị tù đày, hàng trăm quần chúng cách mạng hy sinh, thì chỉ mấy năm sau Xứ ủy Trung Kỳ được khôi phục, hệ thống tổ chức đảng, tổ chức quần chúng lại được tái lập từ Xứ đến các tỉnh, thành, huyện, tổng, xã, làng.
Xô viết Nghệ - Tĩnh là đỉnh cao của cao trào cách mạng những năm 1930 - 1931, là mốc son chói lọi và huy hoàng đầu tiên trong toàn bộ lịch sử vẻ vang của Đảng và của cách mạng nước ta, mà trong đó, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Nguyễn Phong Sắc chính là linh hồn của cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc sống mãi trong lòng của đồng bào Nghệ - Tĩnh, đồng bào Trung Kỳ, cùng dân tộc. Sự cống hiến lớn lao của đồng chí cho dân tộc và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Nghệ - Tĩnh, nhân dân Trung Kỳ những năm 1929 - 1931, với tư cách là người đứng đầu tổ chức và lãnh đạo mãi mãi là điểm sáng trong những kinh nghiệm, bài học của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc là dịp để chúng ta thể hiện lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với công lao, đóng góp to lớn của Đồng chí và các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của cách mạng Việt Nam. Học tập và noi gương Đồng chí Nguyễn Phong Sắc và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện chung sức, đồng lòng vượt lên khó khăn, thách thức do đại dịch Covid 19 gây ra, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đ.D