Đồng hành cùng phụ nữ biên cương
Cập nhật ngày: 12/03/2024 05:45:39
ĐTO - Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” (viết tắt là Chương trình) nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở biên giới. Chương trình thật sự phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, đoàn kết, chia sẻ trong cộng đồng, chung tay giúp đỡ hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ yếu thế vùng biên giới.
Bà Hà Thị Nga - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thứ 6 từ trái sang) chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Thông Bình, huyện Tân Hồng
NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO PHỤ NỮ
Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp triển khai, phát động đến các cấp Hội và các Đồn biên phòng (ĐBP) thực hiện Chương trình, qua đó nhận được hưởng ứng nhiệt tình của các cấp Hội, hội viên, phụ nữ và lực lượng vũ trang. Hội LHPN 8 xã biên giới phối hợp với các ĐBP triển khai Chương trình theo định hướng, lựa chọn hoạt động trọng tâm để ưu tiên đầu tư nguồn lực thực hiện. Các đơn vị phối hợp tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, tham gia phòng, chống, giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xuyên xảy ra ở địa bàn biên giới, nhất là tội phạm mua bán người, bạo lực gia đình, di cư lao động an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thảo - Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thạnh, TP Hồng Ngự, chia sẻ: “Hằng năm, Hội LHPN xã đưa nội dung Chương trình vào kế hoạch thực hiện và xác định Chương trình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội. Từ đó, Hội LHPN xã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, chi bộ ấp và ĐBP Bình Thạnh chọn những nội dung, phần việc, mô hình cụ thể có tác động tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Cùng với đó, Hội LHPN xã phối hợp vận động phụ nữ và gia đình tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới; tổ chức các hoạt động Ngày hội Biên phòng toàn dân; thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia”.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức gói báng tét tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Xuân biên giới - Tết yêu thương”
Hiện nay, trên địa bàn 8 xã biên giới có nhiều hội viên phụ nữ tích cực tham gia vào các Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới. Các ĐBP phối hợp với Hội LHPN xã đến từng hộ gia đình vận động cam kết không vi phạm quy chế biên giới, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, đưa rước người qua lại biên giới trái phép. Bên cạnh đó, vận động hội viên, phụ nữ tham gia cùng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống các hoạt động vi phạm quy chế biên giới, mua bán người, bạo hành phụ nữ, trẻ em. Các đơn vị còn tổ chức cho hội viên, phụ nữ ở địa bàn biên giới cam kết không để người thân và con em trong gia đình vi phạm pháp luật, quy chế biên giới; đấu tranh tố giác tội phạm, nâng cao cảnh giác không để kẻ xấu lôi kéo, kích động, không tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật, xóa bỏ các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, góp phần xây dựng địa bàn không có tội phạm về ma túy và các loại tội phạm khác.
Công tác phối hợp tuyên truyền, vận động giữa các đơn vị đã góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ ở khu vực biên giới về ý thức, tinh thần tự giác chấp hành nghiêm đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia.
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồng Ngự phối hợp trao quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
TẠO SINH KẾ CHO PHỤ NỮ
Hội LHPN các xã biên giới phát huy mô hình “Mỗi chi hội giúp 1 hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo”, “Mỗi cơ sở Hội giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững”, “3 hộ khá giàu, giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo bền vững”. Đồng thời, Hội LHPN các xã hướng dẫn, hỗ trợ các chị khởi nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các địa phương duy trì 8 mô hình phát triển kinh tế cho nhiều hộ phụ nữ biên giới phát triển kinh tế; hướng dẫn và nhân rộng mô hình tín dụng, tiết kiệm, tạo thói quen trong quản lý, sử dụng tài chính cho phụ nữ khu vực biên giới. Hội LHPN các xã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo; đồng thời tổ chức lớp dạy nghề may công nghiệp, đan ghế, đan giỏ nhựa nhằm tạo thu nhập bình quân hằng tháng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người.
Nhằm giúp phụ nữ khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN các xã: Bình Phú, Tân Hộ Cơ, Thông Bình của huyện Tân Hồng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ để giúp phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh như: giúp vốn chăn nuôi, mua bán, hỗ trợ kiến thức. Bà Dương Thị Quyên - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Hồng cho biết, các hoạt động của Chương trình đã vận động các nguồn lực trong và huyện với tổng số tiền trên 3,1 tỷ đồng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội như: hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương, tặng học bổng, dụng cụ học tập, thẻ bảo hiểm y tế, trao quà cho hộ khó khăn, trẻ em nghèo và các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.
Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự trao quà trong Chương trình “Hũ gạo tình thương” cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn
Quan tâm chia sẻ, đồng hành cùng phụ nữ xã biên giới, Hội LHPN TP Hồng Ngự vận động mạnh thường quân hỗ trợ quà, thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện tốt công tác chăm lo, “Đền ơn đáp nghĩa”, tổ chức thăm, tặng quà gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng. Bà Nguyễn Phúc Nhi - Chủ tịch Hội LHPN TP Hồng Ngự cho biết, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 20 mô hình sinh kế với tổng số tiền 100 triệu đồng không hoàn lại. Hội LHPN thành phố vận động mạnh thường quân số tiền 210 triệu đồng xét hỗ trợ cho 14 hộ hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở 2 xã biên giới thực hiện mô hình sinh kế như: chăn nuôi, sản xuất, mua bán nhằm tăng thu nhập kinh tế gia đình, góp phần cho công tác giảm nghèo của địa phương với hình thức cho mượn không tính lãi, thời hạn hoàn vốn trong 2 năm.
Theo Hội LHPN tỉnh, từ năm 2018 đến nay, công tác phối hợp thực hiện Chương trình đã huy động tổng số tiền, quà khoảng 25 tỷ đồng, trong đó gần 20 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ không hoàn lại cho các công trình an sinh xã hội; 8 công trình, phần việc được thực hiện. Hiệu quả rõ nét nhất, sâu rộng nhất qua thực hiện Chương trình đối với phụ nữ là tạo sự chuyển biến trong nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tính tự lực của hội viên, phụ nữ và gia đình trong giảm nghèo, phát triển kinh tế. Chương trình đã tạo sự lan tỏa, hiệu ứng tích cực trong cộng đồng xã hội nhằm chung tay vì phụ nữ biên cương với thông điệp “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
DƯƠNG ÚT