Đừng để một “ông” hai tay cầm hai còi
Cập nhật ngày: 15/07/2019 16:14:47
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, qua thực tế thí điểm sát nhập 3 văn phòng tại 12 địa phương, thì thấy “có chuyện”. “HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH vẫn trong hệ thống dân cử, sát nhập không sao, nhưng lại nhập với UBND thì không ổn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng sát nhập Văn phòng HĐND với Văn phòng UBND có nhiều bất cập
Chiều 15-7, tại phiên họp của UBTVQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung nội dung Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; quy định tiêu chí thành lập đơn vị bên trong của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Chính phủ cũng quy định số lượng cấp phó tối đa, biên chế tối thiểu trong các cơ quan hành chính nhà nước. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được giao quyền chủ động trong việc bố trí số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ bảo đảm yêu cầu công việc.
Theo đó, Chính phủ quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng phải bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị. Số lượng cụ thể cấp phó của mỗi đơn vị do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định theo yêu cầu công việc. Ông Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị nghiên cứu một cách toàn diện, cụ thể hơn vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền với nhau để bảo đảm tính thống nhất với các luật chuyên ngành khác.
“Những nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình nêu trong báo cáo này và báo cáo đầy đủ, về cơ bản đã được Thường trực UBPL và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện chỉ còn 1 vấn đề về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương (CQĐP) còn có ý kiến khác nhau”, Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Về bộ máy giúp việc của CQĐP, nhiều ý kiến của ĐBQH và ý kiến thẩm tra của UBPL đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về bộ máy giúp việc của CQĐP nhằm thực hiện chủ trương hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội và Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của UBTVQH. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Chính phủ đã cân nhắc kỹ vấn đề này và đề nghị chưa quy định trong dự thảo Luật những vấn đề đang tiến hành thí điểm, chưa thực hiện việc sơ kết, tổng kết theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, hiện tại, đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của UBTVQH. Nếu không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của CQĐP thì sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại 3 Văn phòng. Và như vậy, sau khi kết thúc việc thí điểm, để tổ chức, sắp xếp lại các Văn phòng khác với hiện nay thì Chính phủ lại phải trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật để quy định về vấn đề này.
“Thường trực UBPL đề nghị cần sửa đổi ngay các quy định có liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý, dự liệu trước cho việc sắp xếp tổ chức lại 3 Văn phòng sau thí điểm. Với những lý do nêu trên, Thường trực UBPL đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến Văn phòng HĐND cấp tỉnh, Văn phòng UBND cấp tỉnh và Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh tại 3 điều trong Luật Tổ chức CQĐP”, người đứng đầu Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh.
Cụ thể, không quy định Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc cơ cấu của Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Sửa đổi, bổ sung Điều 127 về bộ máy giúp việc của CQĐP theo hướng khái quát về cơ quan, chức năng, nhiệm vụ mà không xác định cụ thể tên gọi của cơ quan này.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCNMT Phan Xuân Dũng cho rằng vẫn nên đưa ra 2 phương án: giữ như hiện nay và thiết kế mới, bởi hiện nay vẫn đang là giai đoạn thí điểm…
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh tán thành chủ trương tăng cường phân cáp ủy quyền, nhưng yêu cầu làm rõ các bảo đảm về tài chính, nguồn lực để thực hiện. “Giao việc mà không giao tiền, không có kinh phí, ngân sách kèm theo thì rất khó. Điểm rất mấu chốt nữa là phải xác định rõ các khái niệm phân cấp và uỷ quyền”, ông Thanh nói.
Thể hiện quan điểm cần tăng cường vai trò của HĐND, hiệu lực, sức mạnh của Hội đồng trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương cũng như giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định: “Co hẹp nhân sự HĐND là đi ngược xu thế này”. Theo ông Phùng Quốc Hiển, qua thực tế thí điểm sát nhập 3 văn phòng tại 12 địa phương, thì thấy “có chuyện”. “HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH vẫn trong hệ thống dân cử, sát nhập không sao, nhưng lại nhập với UBND thì không ổn. Văn phòng UBND không phải chỉ lo cơm ngon canh ngọt đâu, mà còn làm chuyên môn nữa. Thế là thành ra hai tay “ông” này cầm 2 còi”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng ủng hộ quan điểm này: “Nên để 2 phương án: một văn phòng hoặc 2 văn phòng. Cứ tách vào nhập vào, mỗi lần như vậy rất phức tạp. Bà cũng không đồng ý với đề xuất bớt đi một Phó Chủ tịch HĐND tỉnh vì cho rẳng như vậy sẽ làm yếu đi vai trò kiểm soát quyền lực của cơ quan dân cử.
ANH PHƯƠNG (SGGPO)