Gần dân

Cập nhật ngày: 02/08/2018 05:58:14

Xin bắt đầu câu chuyện bằng hình ảnh khu giao dịch của Bưu điện tỉnh Đồng Tháp, nơi mà hàng rào ngăn cách trong ngoài ngự trị mấy chục năm được tháo bỏ, khiến nhân viên bưu điện và khách hàng gần nhau như đứng cùng một chỗ, việc giao dịch vô cùng thân thiện, cởi mở, thông thoáng, ai ai cũng thấy mình được tôn trọng một cách đích thực. Câu khẩu hiệu gần dân hiển hiện rất sống động ở đây.

Tôi đã từng đến giao dịch ở một số trung tâm bưu điện tỉnh tại nhiều địa phương và vẫn gặp sừng sững những hàng rào kính cường lực, khoét những lỗ vừa chỉ để lọt bàn tay. Cảm giác chia cách, xa lánh, nghi ngại giữa trong và ngoài bao giờ cũng toát lên một cách thường trực. Người dân đến giao dịch thấy mình dường như bị coi thường bởi cái hàng rào ấy! Mà không chỉ ở bưu điện, nhiều địa chỉ cơ quan và địa chỉ giao dịch khác cũng thích dựng lên cái hàng rào kính cường lực ấy (thậm chí là hàng rào lưới thép), không biết nhằm bảo vệ và ngăn chặn điều gì?

Ở Đồng Tháp gần đây, khẩu hiệu gần dân đã không còn ẩn mình sâu trên giấy và phòng làm việc công sở. Nó đã hòa nhập một cách thực sự và sinh động trong mọi mặt cuộc sống xã hội. Có thể thấy rõ điều này trước tiên ngay từ trung tâm đầu não chính trị và hành chính tỉnh qua việc chọn biệt danh, bút danh của hai người đứng đầu (Bí thư Tỉnh ủy: Xích Lô; Chủ tịch tỉnh: Ba Gác). Tự chọn tên như vậy cho mình, không gì khác hơn ngoài một tuyên ngôn gần dân gián tiếp của lãnh đạo tỉnh. Coi mình cũng chính là một trong những tầng lớp lao động vất vả, cực nhọc bậc nhất của xã hội qua tên gọi, chính là một trong những quan điểm gần dân đúng đắn của những người lãnh đạo nơi đây. Một khía cạnh khác, cùng với biệt danh, bút danh này, địa chỉ facebook của hai vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh luôn đón nhận, cập nhật mọi thông tin từ người dân, giúp thao tác nắm bắt kịp thời thông tin từ mọi ngõ ngách đời sống nhân dân, qua đó góp phần đưa ra những quyết sách đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân nhất.

Không chỉ vậy, Xích Lô và Ba Gác còn thường xuyên ngồi cafe’ sáng với mọi tầng lớp người lao động, nhất là với các doanh nhân, trí thức, văn nghệ sỹ... và luôn coi đây là một địa chỉ tin cậy để tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin với người dân một cách cập nhật, nhanh nhạy và hiệu quả nhất,

Gần dân ở Đồng Tháp còn là việc mở cửa tự do trụ sở UBND tỉnh trong các dịp lễ, Tết như là một điểm tham quan trải nghiệm để nhân dân và du khách có dịp mục kích thoải mái và thân thiện nơi từ trước đến nay vốn được coi là nội bất xuất ngoại bất nhập; kín cổng cao tường.

Gần dân ở đây bắt đầu từ những tên gọi, những khẩu hiệu, sau đó chuyển hóa kịp thời thành những hành động hiệu quả cụ thể. Một trong những chuyển hóa đó là phong trào hội quán nông dân mà lãnh đạo tỉnh chính là một trong những những nhân vật chủ xướng và tiên phong.

Ở Đồng Tháp, nói gần dân ắt phải nói gần nông dân, vì họ chiếm gần 70% dân số. Là một tỉnh từ trước đến nay, cơ bản thuần nông nên tỷ lệ nói trên là tất yếu. Tuyên ngôn gần nông dân mà cứ để tình trạng được mùa rớt giá thường xuyên, nông dân điêu đứng chính bởi cây, con mình trồng trọt, chăn nuôi thì đó chỉ là những hô hào suông thuộc về một quá khứ đáng quên nào đó. Xắn quần lội xuống ruộng với nông dân, vắt óc nghĩ ra những mô hình làm ăn tốt nhất cho nông dân và cùng họ khấp khởi xây dựng, đón nhận, triển khai, đó mới chính là cung cách gần dân đích thực mà Xích Lô, Ba Gác và những người lãnh đạo ở Đồng Tháp đang thực hiện.

Xét cho cùng thì hội quán nông dân, thực chất cũng chỉ là mô hình mà trước đây tam nông Việt Nam cũng đã từng tạo lập bằng những tên gọi sơ khai như tổ đổi công hay sau này là hợp tác xã nông nghiệp cấp thấp - cấp cao. Cái khác cơ bản ở hội quán nông dân ở Đồng Tháp hiện nay là, đây không còn là nơi tọa lạc của một bộ máy quan liêu cồng kềnh, là một địa chỉ cha chung không ai khóc mà là nơi, mọi thành viên tham gia đều là chủ nhân đích thực: họ tự nguyện tham gia và tự quyết mọi công việc. Khẩu hiệu gần dân đã chuyển hóa thành khẩu hiệu vì dân, do dân hay dân quyết, dân bàn, dân kiểm tra một cách đích thực. Đây chính là điểm son gần dân của chính quyền Đồng Tháp hiện nay. Để nông dân Đồng Tháp đều có mặt trong những hội quán vẫn còn là công việc ở phía trước. Dù sao, tín hiệu và thành quả ban đầu là rất đáng vui mừng và tin tưởng.

Gần dân được coi là thật khi nó được ghi nhận trên cả khái mặt: nói và làm! Chỉ nói mà không làm thì dân càng ngày càng ngao ngán, suy sụp lòng tin và cuối cùng là chẳng thèm nghe theo, đi theo, làm theo cán bộ và các cơ quan công sở. May sao ở Đồng Tháp đã từng bước thoát khỏi thực trạng này. Mừng lắm thay!

T.Đ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn