Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Giám sát công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đô thị trên địa bàn tỉnh
Cập nhật ngày: 08/03/2019 06:07:44
ĐTO - Ngày 7/3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng về việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính từ ngày 1/7/2014 (Luật Đất đai có hiệu lực) đến ngày 31/12/2018, tỉnh Đồng Tháp có 30 dự án đầu tư có sử dụng đất tại đô thị được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, TX.Hồng Ngự có 13 dự án, TP.Cao Lãnh 7 dự án, TP.Sa Đéc 10 dự án. Việc triển khai thực hiện dự án cơ bản phù hợp với quy hoạch đô thị, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Những dự án do nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có đội ngũ phát triển dự án chuyên nghiệp như Saigon.Co.op, Tập đoàn VinGroup, Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa được triển khai đúng tiến độ. Còn lại các dự án của một số nhà đầu tư khác triển khai chậm so với tiến độ đăng ký. Nguyên nhân là quy định về hồ sơ, thủ tục về đất đai, quy hoạch và thiết kế xây dựng, thẩm tra phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường còn phức tạp, mất nhiều thời gian thực hiện; một số nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính, không đảm bảo tiến độ đầu tư dự án.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Trung ương cần sớm sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan nhằm đảm bảo tính nhất quán trong quy định pháp luật, trên cơ sở đó tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng; có hướng dẫn phương pháp đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do nhà đầu tư cung cấp theo quy định.
Theo Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn tỉnh lập quy hoạch chung đạt 100%, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được thực hiện theo nhu cầu phát triển của mỗi địa phương. Nhìn chung, công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch được địa phương thực hiện theo quy định. Bên cạnh đó, còn có một số tồn tại, hạn chế trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch đô thị. Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa quy định rõ về các đối tượng và quy trình thực hiện cụ thể; năng lực các đơn vị tư vấn còn hạn chế; chủ đầu tư, cơ quan quản lý chưa phát huy hết vai trò kiểm soát...
Sở Xây dựng kiến nghị khi điều chỉnh quy hoạch cần có cái nhìn tổng thể, khảo sát thực tế, phân tích và đánh giá tính bất cập, hạn chế của quy hoạch cũ, so sánh tính ưu việt, khả thi của quy hoạch điều chỉnh, tránh tình trạng các địa phương thường đề nghị điều chỉnh không đảm bảo các điều kiện quy định, gây vụn vỡ quy hoạch, làm cho quy hoạch không phát huy được hiệu quả. Ngoài ra, cần đề cao các nhiệm vụ thực hiện trước khi lập quy hoạch như khảo sát đánh giá đúng hiện trạng, phối hợp lấy ý kiến các ngành liên quan và cộng đồng dân cư, lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực.
Qua làm việc với 2 Sở, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phạm Văn Hòa ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, đồng thời lưu ý một số vấn đề cần phải thực hiện đồng bộ cũng như tiếp tục tăng cường tham mưu cho UBND tỉnh để việc quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị đạt hiệu quả tốt nhất.
Quang cảnh buổi làm việc tại TP.Sa Đéc
Trước đó ngày 6/3/2019, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đến TP.Sa Đéc và TP.Cao Lãnh để giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị của địa phương từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến năm 2018.
Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, công tác quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị tại TP.Sa Đéc dần đi vào nề nếp, tạo sự chủ động và giải quyết kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên địa bàn. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất tại đô thị cũng được quan tâm. Đến nay địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân đạt hơn 99% số thửa đất trên địa bàn.
UBND TP.Sa Đéc thông tin do các tác động tiêu cực từ sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản, hiện tượng đầu cơ đất, tăng giá đột biến,... tạo nên áp lực cho công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giải quyết đất ở cho người thật sự có nhu cầu ở địa phương. Mặt khác, trên địa bàn hiện cũng đang hình thành các khu dân cư tư nhân tự phát gây lúng túng cho địa phương trong việc quản lý.
Tại TP.Cao Lãnh, thời gian qua công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị được địa phương thực hiện chặt chẽ, đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên hạn chế của địa phương là tình trạng các khu đất quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa triển khai dự án trở thành “quy hoạch treo” gây khó khăn cho người dân; nhà đầu tư đăng ký thuê đất nhưng chậm triển khai dự án ảnh hưởng đến việc phát triển bộ mặt đô thị thành phố;...
UBND TP.Cao Lãnh kiến nghị tỉnh cần tập trung nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn; có chính sách giao lại quỹ đất công, đất trụ sở cơ quan sau khi di dời để thành phố tổ chức đấu giá tạo nguồn vốn để phát triển kết cấu hạ tầng.
Ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH đề nghị UBND TP.Sa Đéc và TP.Cao Lãnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý và sử dụng đất tại đô thị hợp lý để góp phần phát triển đô thị của tỉnh xứng tầm trong thời gian tới.
Thanh Trúc - Phú Thuận