Giám sát hoạt động ủy thác vốn vay qua các tổ chức Chính trị - Xã hội

Cập nhật ngày: 10/10/2018 15:53:37

ĐTO - Ngày 10/10, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trần Anh Dũng cùng đoàn công tác của Ban Văn hóa – Xã hội đến giám sát Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Đồng Tháp về hoạt động ủy thác vốn vay giữa NHCSXH và tổ chức Chính trị - Xã hội từ năm 2011 đến nay.


Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh

Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, hiện nay chi nhánh có 12 chương trình vay vốn. Tổng dư nợ đến ngày 30/9/2018 là 3.039 tỷ đồng với hơn 160.700 hộ còn dư nợ, trong đó dư nợ được ủy thác qua 4 hội, đoàn thể là hơn 2.950 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 97% dư nợ cho vay.

Nhìn chung, sự phối hợp giữa NHCSXH với hội, đoàn thể các cấp trong việc triển khai cho vay đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác khá chặt chẽ, hiệu quả. Công tác tuyên truyền của hội, đoàn thể, NHCSXH tốt hơn, tác động tích cực đến nhận thức của nhiều hộ vay, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc vay vốn NHCSXH được nâng lên, góp phần tích cực vào việc củng cố nâng cao chất lượng tín dụng của chi nhánh NHCSXH.

Bên cạnh đó, công tác này còn một số khó khăn như việc kiểm tra sau khi cho vay còn nhiều hạn chế, số lượng người vay đi làm ăn xa khá nhiều nhất là trong các cụm, tuyến dân cư, hiện nay trung ương chưa có cơ chế xử lý nợ đối với những trường hợp này, do đó rất khó khăn cho công tác kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đối với những trường hợp này.

Thay mặt đoàn giám sát, ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội đánh giá cao hiệu quả đạt được của công tác ủy thác cho vay qua 4 tổ chức đoàn thể, giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội, đối tượng chính sách có nguồn vốn phát triển kinh tế.

Chi nhánh NHCSXH Đồng Tháp đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo, đồng thời thực hiện tốt công tác tham mưu để UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.

Tuy nhiên, công tác này còn một số hạn chế cần được quan tâm, khắc phục như công tác thu hồi nợ quá hạn còn nhiều lúng túng; công tác bình xét các hộ được vay vốn có nơi, có lúc chưa chặt chẽ; thiếu cơ chế lồng ghép, phối hợp có hiệu quả giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để làm tốt hơn nữa công tác này, ông Nguyễn Hữu Đức đề nghị Chi nhánh NHCSXH tỉnh chú trọng tăng thêm huy động các nguồn lực để bổ sung nguồn vốn cho vay; tăng cường mở các lớp tập huấn để bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác; phát triển thêm các sản phẩm hỗ trợ tiện ích cho người nghèo.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn