Giồng Bàng - mùa xuân đến sớm
Cập nhật ngày: 04/01/2016 12:59:24
Được chính quyền địa phương thông báo chuẩn bị đón bộ đội về đóng quân dã ngoại, người dân ấp Giồng Bàng (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) ai nấy cũng vui, bởi từ lâu hình ảnh những người chiến sĩ không ngại khó khăn dầm mình trong mưa lũ giúp dân thu hoạch lúa, đưa rước học sinh đến trường luôn hằn sâu trong tâm trí...
Đường sá thông thoáng sạch sẽ đón chào năm mới
Chị Nguyễn Thị Gái - người dân ấp Giồng Bàng cho biết: “Nhìn bộ đội lao động cực nhọc, bà con ai cũng thương, cũng quí. Nhớ mùa lũ năm 2011, cũng nhờ có mấy chú đến giúp gia đình thu hoạch lúa, chứ không là mất trắng hết. Ơn ấy vợ chồng tui nhớ hoài”.
Ấp Giồng Bàng và ấp 1, xã Thường Phước 1 là hai địa điểm chính của đợt “về nguồn” chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu (10/12/1945 - 10/12/2015), với các hoạt động: tặng 60 phần quà cho gia đình chính sách, 30 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, xây dựng 2 căn nhà tình đồng đội, khám bệnh, phát thuốc cho 400 lượt người... Riêng ấp Giồng Bàng (mới thành lập, thuộc diện khó khăn nhất xã), được Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu “ưu tiên” hơn khi giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 320, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp về giúp nhân dân sửa chữa lộ nông thôn, nhà cửa, tham gia xây nhà văn hóa ấp, trường mẫu giáo...
Đưa chúng tôi đến nơi bộ đội và đoàn viên, thanh niên địa phương đang khẩn trương sửa chữa lộ nông thôn. Trên đường đi, ông Nguyễn Văn Lịch - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 cho biết, ấp Giồng Bàng được thành lập ngày 4/7/2014 trên cơ sở điều chỉnh 781ha và 1.100 nhân khẩu của ấp 2. Địa bàn ấp là một gò đất cao nằm trên một con kênh vắt ngang cánh đồng dẫn nước từ sông Tiền vào cho người dân sinh hoạt và tưới tiêu ruộng lúa. Mùa khô, từ ấp đi ra xã chỉ có một con đường duy nhất dài hơn 4km xe hai bánh có thể chạy được. Mùa nước nổi, nơi đây được mọi người ví như một “ốc đảo” nằm chơ vơ giữa bốn bề sóng gió. Ăn con cá bắt ngoài đồng, uống dòng nước lũ. Ba đến năm ngày mới có một chuyến ghe mang các nhu yếu phẩm vào bán, mua lại con cá, mớ rau chở về chợ xã. “Là xã nghèo nên chính quyền địa phương chưa có điều kiện đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. So với vài năm trước, hiện tại cuộc sống của bà con có khá hơn, nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông và đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Thường ngày thôn xóm vắng hoe. Mấy ngày nay có bộ đội về đóng quân dã ngoại mới đông vui lên” - ông Nguyễn Văn Lịch cho hay.
Tuyến đường đan trong ấp được cán bộ, chiến sĩ sửa lại bằng phẳng
Không khí lao động, tiếng cười, giọng nói của cán bộ, chiến sĩ chạy theo làn gió mới đu đưa làm rộn ràng, ấm áp thôn xóm hẳn lên. Đang ngồi nghỉ chân sau khi vừa đi một vòng kiểm tra công việc của đại đội. Gặp tôi, Thượng úy Phạm Ngọc Thuận - Phó Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 320 thổ lộ: “Lần đầu về khu căn cứ đóng quân dã ngoại nghe những câu chuyện kể về bao gian khổ, hi sinh của ông cha và nhìn cuộc sống bà con còn nhiều khó khăn thiếu thốn, mà trong lòng ngập tràn bao cảm xúc. Tôi luôn động viên cán bộ, chiến sĩ đại đội tranh thủ thời gian cố gắng lao động giúp đỡ bà con. Buổi sáng sửa lại mái nhà, con đường, chiều đến ra đồng bón phân cho lúa... Nhiều hôm anh em làm đến khi trời tối mịt mới về”.
Hơn 10 ngày “về nguồn” đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nông thôn mới, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu đã giúp diện mạo ấp Giồng Bàng đổi thay rõ rệt. Như lời ông Nguyễn Thanh Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự nói: “Giồng Bàng được khoác lên chiếc áo mới. Chính quyền, người dân địa phương luôn ghi nhớ sự giúp đỡ này”. Đứng ngắm ngôi trường còn thơm mùi sơn mới, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi hội trưởng, Chi hội Phụ nữ ấp Giồng Bàng tươi cười chia sẻ: “Có trường mẫu giáo, chị em an tâm gởi con nhỏ để đi làm kiếm tiền phụ chồng lo lắng cuộc sống gia đình. Chứ hồi trước mỗi khi sinh con là ở nhà giữ suốt ba bốn năm trời”.
Nhìn thôn xóm khang trang, nét mặt người dân tươi cười rạng rỡ, tôi thấy mùa xuân về với Giồng Bàng mỗi lúc một gần. Thêm một tin vui với bà con nơi đây, năm 2016 khi tuyến đường tuần tra biên giới đoạn Tân Hồng đi qua Hồng Ngự thi công, thì chuyện Giồng Bàng chia tách với bên ngoài mỗi khi nước lũ tràn về sẽ không còn. Và hai từ “ốc đảo” chỉ còn trong tiềm thức, trong những câu chuyện kể.
Thanh Lạc