Hai cảm nhận sâu sắc về Cách mạng Tháng Tám
Cập nhật ngày: 17/08/2022 15:48:54
Có những sự kiện lịch sử, cứ mỗi lần tiếp cận, khám phá là một lần ta nhận ra những phẩm chất tổng hợp, mới mẻ, cuốn hút của nó. Cách mạng Tháng Tám - 1945 (còn gọi là Tổng khởi nghĩa Tháng Tám) là một trong những sự kiện như vậy. Thành công vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, từ trước đến nay, đã được đề cập, đánh giá, tôn vinh trên nhiều phương diện. Trong bài viết nhỏ này, xin chia sẻ thêm về hai cảm nhận sâu sắc của tác giả, nhân kỷ niệm 77 năm (19/8/1945 - 19/8/2022) của một trong những sự kiện vĩ đại của lịch sử đất nước ta: Cách mạng Tháng Tám.
Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám là biểu trưng sáng ngời về việc vận dụng kết hợp rất thành công và hiệu quả phạm trù “tam thời” (thời thế, thời cơ, thời gian). Như chúng ta đã biết, thời thế lúc bấy giờ tuy vẫn vô cùng phức tạp, nhưng đã ánh lên những điểm sáng cho cách mạng các nước thuộc địa, nhất là chiến tranh thế giới lần thứ hai đang vào hồi kết cục, nhiều đế quốc - thực dân, trong đó có Nhật, Pháp, bị suy yếu trầm trọng về vị thế và nguồn lực, tạo thế cho cách mạng của các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam có thể vùng lên giành chính quyền về tay Nhân dân. Thời cơ của Cách mạng Tháng Tám xuất hiện trong khoảnh khắc khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, quân lính Nhật tan rã, bọn Việt gian thân Nhật hốt hoảng. Đồng thời, thời cơ đó xuất hiện trên cơ sở sự chuẩn bị tổng khởi nghĩa của ta đã đủ tốt về đường lối, phương châm, lực lượng, nhất là cao trào cứu nước của Nhân dân đã lên đến đỉnh cao. Thời gian diễn ra Cách mạng Tháng Tám cũng đã chín muồi, nếu không tiến hành trước khi lực lượng Đồng minh nhảy vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật thì sẽ không còn lúc nào tốt hơn.
Nhận ra khoảnh khắc “tam thời” này, không ai khác, chính là nhãn quan tinh nhạy, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Chỉ cần nêu ba ví dụ minh họa sau đây, cũng đã thấy rõ việc nhận thức và thực hiện hai chữ “tam thời” của Đảng ta tài tình đến mức nào. 1. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào đã chỉ rõ: “Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc đều phải nhằm vào ba nguyên tắc: a) Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính. b) Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy. c) Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”. 2. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. 3. Ngày 16/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Chúng ta không thể chậm trễ”.
Thứ hai, Cách mạng Tháng Tám là hiện thân sinh động của sức mạnh tinh thần, thứ vũ khí vô song của Nhân dân Việt Nam trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn một cách tổng thể, từ cổ chí kim, Nhân dân ta đứng lên chống ngoại xâm hay làm cách mạng, so với kẻ thù thì đều là thua thiệt, yếu kém về vật lực và vũ khí. Cách mạng Tháng Tám cũng không nằm ngoài điều đó. Thực vậy, lực lượng vũ trang chính quy lúc bấy giờ, với tên gọi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 người do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy, tạm coi là có vũ khí, dù là vũ khí thô sơ (2 súng thập - súng ngắn 10 viên, 17 súng trường, 14 mã tấu). Còn lực lượng chính của cách mạng là Nhân dân thì chủ yếu là vũ khí tự tạo như súng kíp, dáo, mác, gậy, gộc... Nhưng với vũ khí thô sơ ấy, Nhân dân ta, theo lời hiệu triệu của Đảng, của Việt Minh đã vùng lên tiến hành thành công cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ long trời lở đất. Đó là một kỳ diệu của lịch sử! Sự kỳ diệu ấy không gì khác hơn ngoài sự kế thừa truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của ông cha ta, với nguyên lý “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”. Đó cũng chính là tinh thần yêu nước, yêu độc lập, tự do của Nhân dân ta lúc bấy giờ. Tinh thần ấy đã chuyển hóa thành một sức mạnh vô song, vô địch, như một thứ vũ khí tối tân, hiện đại, bách chiến bách thắng. Vũ khí tinh thần ấy, trước hết là lòng tin yêu sâu sắc đối với Đảng, với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đó cũng là tinh thần đoàn kết, gắn bó, muôn người như một của toàn dân ta. Và nữa, nó cũng bắt nguồn từ lòng căm thù sâu sắc bọn thực dân, phát xít của mỗi người dân nô lệ trên đất Việt. Có thể khẳng định, vũ khí tinh thần là một trong những thứ vũ khí ưu việt, tài tình và hiệu quả nhất của Cách mạng Tháng Tám. Nhờ nó mà Đảng ta, dân ta đã làm nên cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ đầu tiên trong hệ thống các nước thuộc địa và trở thành bài học “máu thịt” cho mọi cuộc cách mạng ở các quốc gia khác trên thế giới thời hiện đại, cũng như cho những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta sau này.
Đã có những kẻ cố tình xóa nhòa sự thực lịch sử, cố tình đánh tráo các sự kiện, cũng như ít nhiều phủ nhận thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Dù lấp liếm và tráo trở cách gì thì hai cảm nhận sâu sắc nêu trên từ cuộc cách mạng này, chắc chắn không một kẻ nào có thể bẻ cong, xuyên tạc. Thuận theo chữ “tam thời” và nắm chắc vũ khí tinh thần là hai nguyên nhân quan trọng bậc nhất làm nên thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám. Đây chính là một trong những bài học sâu sắc nhất mà hậu thế luôn nằm lòng, noi theo và vận dụng trong bất cứ hoạt động nào, dù chỉ là những công việc của mỗi cá nhân.
TAO ĐÀN