HUYỆN LẤP VÒ

Hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo

Cập nhật ngày: 12/09/2023 10:56:42

http://baodongthap.com.vn/database/video/20230912111757mobifone_audio_1694492238014.mp3

 

ĐTO - Từ năm 2021 đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn huyện Lấp Vò tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật, thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2020 (tương đương 81 triệu đồng/năm), thành lập 4 hợp tác xã nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,2%/năm.


Người dân xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò chuyển diện tích sản xuất lúa hiệu quả thấp sang trồng hoa màu cho thu nhập khá, góp phần nâng cao cuộc sống

Trên cơ sở xác định rõ các mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đề ra, huyện Lấp Vò tập trung đầu tư thực hiện các ngành hàng nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế như: lúa, khoai môn, hoa kiểng, cây ăn trái. Đồng thời, các ngành chuyên môn theo dõi sát tình hình dự báo dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và kịp thời thông tin cho người dân chủ động ứng phó với dịch bệnh, góp phần giảm nhẹ rủi ro do thiên tai trong lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động sinh kế của người dân.

Diện tích sản xuất lúa chất lượng của huyện từ 36% (năm 2020) tăng lên gần 60% (năm 2023). Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2023, năng suất lúa tăng cao (bình quân 7,3 tấn/ha), giá bán lúa dao động từ 6.100 - 6.900 đồng/kg tùy theo giống lúa. Các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản được duy trì thực hiện: liên kết sản xuất lúa giống theo chuỗi của Hợp tác xã nông nghiệp Bình Thạnh Trung với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời; liên kết tiêu thụ lúa của Hợp tác xã giống nông nghiệp Định An với Công ty TNHH Cỏ May.

Với lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, huyện Lấp Vò đẩy mạnh phát triển sản xuất cây ăn trái, thực hiện nhiều mô hình trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao và đăng ký mã vùng trồng. Toàn huyện có trên 110ha cây ăn trái được chứng nhận VietGAP, có 11 mã vùng trồng. Ngành hàng hoa kiểng phát triển khá nhanh về quy mô và diện tích, đến tháng 4/2023 tăng lên gần 400ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Khánh Trung, Long Hưng A, Long Hưng B, Tân Mỹ với các loại cây trồng: hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, hoa giấy, bông trang, các loại kiểng lá, kiểng công trình... Đáng ghi nhận, các mô hình trồng trình diễn về hoa kiểng gắn với du lịch sinh thái được triển khai thực hiện ở xã Tân Khánh Trung và Long Hưng A, bước đầu mang lại kết quả tích cực, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn.

Diện tích hoa màu trên toàn huyện duy trì ở mức ổn định trên 4.000ha với các loại hoa màu chủ lực như: khoai môn, ớt, bắp,... Trong đó, địa phương duy trì thực hiện liên kết tiêu thụ bắp non với Công ty Antesco, Công ty Rau quả Miền Tây ở xã Mỹ An Hưng A, Hội An Đông; thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên cây khoai môn với diện tích 108ha; triển khai các công trình hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm ở xã Mỹ An Hưng A, với diện tích 126ha mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Để chủ động trong công tác thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Lấp Vò lãnh đạo UBND huyện ban hành Kế hoạch số 14 ngày 17/1/2022 về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện. Qua đó, các cấp, ngành hữu quan của huyện quan tâm triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, giáo dục và đào tạo, nhà ở cho hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được đẩy mạnh thực hiện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức 31 lớp dạy nghề với hơn 1.000 học viên tham gia nhằm giải quyết việc làm và nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn.

Song song đó, huyện Lấp Vò tăng cường tuyên truyền, vận động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, toàn huyện đưa hơn 430 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (riêng năm 2022 đã đưa 226/166 lao động xuất cảnh, đạt 136,14% chỉ tiêu tỉnh giao). Người lao động sau khi xuất cảnh có việc làm ổn định phù hợp với khả năng lao động, thu nhập ổn định, được tích lũy sau khi trừ chi phí sinh hoạt từ 20 triệu - 30 triệu đồng/lao động/tháng. Người lao động sau khi hết thời gian hợp đồng trở về địa phương, đa số có việc làm và thu nhập ổn định hoặc tiếp tục được các công ty, nghiệp đoàn gia hạn làm việc tiếp theo quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của địa phương.

Công tác giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực, đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn huyện Lấp Vò có 947 hộ nghèo (chiếm 1,99%) và 2.296 hộ cận nghèo (chiếm 4,82%). Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến đầu năm 2023, toàn huyện giảm còn 722 hộ nghèo (chiếm 1,52%) và 1.238 hộ cận nghèo (chiếm 2,60%). Thu nhập bình quân hộ nghèo tính đến đầu năm 2023 tăng 2,14 lần so với năm 2020. Cụ thể: cuối năm 2020 hộ nghèo khu vực nông thôn có thu nhập 700.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng; đến đầu năm 2023, hộ nghèo khu vực nông thôn có thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng.

Dũng Chinh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn