Hướng đi hiệu quả từ mô hình “Cây cam vườn tôi”
Cập nhật ngày: 19/03/2019 06:15:32
ĐTO - Thay vì trồng cam theo phương pháp thông thường, anh Võ Văn Nang ở xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh đã chọn cách sản xuất mới, đó là trồng cam theo quy trình sạch và xây dựng thương hiệu “Cây cam vườn tôi” để giới thiệu đến khách hàng. Mô hình này được đánh giá là hướng đi hiệu quả cho cây cam, hiện có khá đông khách hàng tin tưởng, đặt mua...
Anh Nang tỉ mỉ chăm sóc vườn cam sạch của mình
Gần 3 năm kể từ ngày đầu đến thăm vườn cam của anh Nang, chúng tôi mới có dịp quay lại. Dẫn chúng tôi đi tham quan thực tế vườn cam rộng 4.000m2 của mình, trong câu chuyện rôm rả của anh em lâu ngày gặp lại, anh Nang giới thiệu từng chi tiết thông tin, hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân những cây cam trong vườn. Anh Nang phấn khởi khoe, anh vừa ký được 3 hợp đồng từ một khách hàng ngoài tỉnh. Đến nay anh đã có hơn 20 khách hàng quen thuộc trong tỉnh và các tỉnh, thành khác như TP.Hồ Chí Minh, Hội An...
Kể với chúng tôi về cơ duyên đến với mô hình trồng cam sạch, anh Nang cho biết, anh trồng cam đã được gần 8 năm nhưng trồng cam sạch với thương hiệu “Cây cam vườn tôi” chỉ bắt đầu từ tháng 6/2018, thông qua sự trợ giúp của UBND TP.Cao Lãnh. Khi đó, lãnh đạo TP.Cao Lãnh nhận thấy vườn cam của anh trồng khá hiệu quả nên vận động xây dựng mô hình “Cây cam vườn tôi” làm mô hình điểm về hướng canh tác sạch, an toàn của xã Tân Thuận Đông cũng như thành phố. Qua đó, tập dần cho bà con hướng chuyển đổi sang tư duy sản xuất mới để phù hợp với xu thế thị trường và nâng cao giá trị nông sản. Nhận thấy mô hình khá phù hợp nên anh mạnh dạn triển khai thực hiện trên diện tích vườn cam của gia đình.
Để có kinh nghiệm kỹ thuật sản xuất, anh Nang lặn lội đi tìm sự giúp đỡ về kỹ thuật canh tác, chăm bón từ Hợp tác xã xoài Mỹ Xương - nơi đã thành công với mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Anh còn mạnh dạn ứng dụng các chế phẩm sinh học, bón phân vi sinh, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu trên vườn. Chính vì thế, quả cam sau thu hoạch rất an toàn, để tươi được lâu hơn và không có dư lượng hóa chất. Anh Nang chia sẻ: “Để kiểm chứng cho quả cam sạch không phải dễ, sản phẩm sau khi thu hoạch tôi phải lấy mẫu trái, mẫu đất, mẫu nước đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng (ở TP.Cần Thơ) để kiểm nghiệm, khi kiểm tra đạt yêu cầu các tiêu chuẩn mới được thông qua và bán cho khách hàng...”.
Nhờ sản phẩm được kiểm chứng rõ ràng, năm đầu tiên anh bán được 35 cây cam, sang năm 2019, anh Nang ký hợp đồng bán thêm 15 cây nữa. Tính chung đến nay, anh đã bán được 50 cây cam cho các khách hàng trong và ngoài tỉnh. Với giá mỗi cây là 4 triệu đồng, mỗi vụ, 1 cây cam có thể cho sản lượng từ 80-100kg trái sạch giao cho khách hàng. Anh Nang cho biết, thông thường để khách hàng quản lý cây cam của mình, anh thường quay hình lên trang web nongsancaolanh.vn hoặc đăng hình lên Zalo về quá trình sinh trưởng của cây để khách tiện quản lý. Riêng khách hàng ở gần, đến vụ thu hoạch (thường từ tháng 8-11 âm lịch) anh sẽ thông tin để họ có thể cùng đến vườn thu hoạch cam sạch của mình về nhà.
Hiện ngoài 50 cây cam đã bán cho khách, số lượng cây còn lại (khoảng 150 cây) anh Nang cũng trồng theo hướng an toàn và đều có ghi mã số, thông tin hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, giá bán, sản lượng... và đăng thông tin lên mạng để khách hàng trong và ngoài tỉnh có thể lựa chọn.
Khi được hỏi tại sao lại chọn cách sản xuất sạch này khi phần lớn nông dân vẫn sản xuất theo hướng cũ, anh Nang cho rằng, trong xu thế của nền nông nghiệp hiện đại, việc người sản xuất chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm của mình là hết sức quan trọng. Đó chính là cơ sở pháp lý, là bảo bối để bảo vệ quyền lợi cũng như tạo thêm nhiều giá trị cho sản phẩm của người nông dân. Muốn sản phẩm nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, nông dân phải tự thay đổi trước sau đó mới tính đến chuyện thuyết phục khách hàng cũng như đưa sản phẩm ra thị trường. “Sản xuất theo hướng an toàn mặc dù trách nhiệm phải gánh trên vai người sản xuất rất nặng, tuy nhiên bù lại giá trị sản phẩm được nâng lên gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường, đó cũng là động lực để tôi tiếp tục với hướng đi này” - anh Nang giải bày.
Đánh giá về mô hình “Cây cam vườn tôi” của anh Võ Văn Nang, ông Lê Nhựt Trường - Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông cho hay, hiện nay nhu cầu của người tiêu dùng đã thay đổi theo hướng chú trọng các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, việc anh Võ Văn Nang chủ động sản xuất theo hướng an toàn là điều địa phương rất hoan nghênh và hỗ trợ mọi điều kiện để anh an tâm sản xuất. Từ mô hình này, địa phương cũng đang tiếp tục vận động các hộ có điều kiện học tập và thực hiện sản xuất an toàn, không riêng trên cây cam mà còn áp dụng cho các loại cây trồng khác như xoài, nhãn, mãng cầu... Mục tiêu của địa phương là tập dần cho bà con hướng chuyển đổi sang tư duy sản xuất mới để phù hợp với xu thế thị trường và nâng cao giá trị nông sản.
Mỹ Nhân