Kết luận của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Cập nhật ngày: 22/05/2019 16:03:31
Ngày 10/5, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (Chỉ thị 11).
Kết luận của Ban Bí thư nêu rõ: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã có chuyển biến mạnh mẽ, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng cao; tổ chức Hội khuyến học được củng cố và phát triển, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực trong cả nước. Tuy nhiên, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chưa phát triển theo chiều sâu; chất lượng và hiệu quả còn một số hạn chế, nhất là việc giáo dục cho người lớn. Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt sâu rộng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 11, đồng thời quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Đó là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Việc duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp, trước hết là người đứng đầu. Phát huy và quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Chỉ thị 11, gắn với việc đánh giá kết quả công tác hằng năm…
Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Lồng ghép một số chuyên đề về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trong chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, trung tâm bồi dưỡng chính trị. Phối hợp các lực lượng xã hội, các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia tích cực hơn nữa vào công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; kịp thời biểu dương gương sáng tự học, tự học thành tài để lập thân, lập nghiệp…
Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội. Mỗi tổ chức cần có biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên trong tổ chức để góp phần cùng với gia đình, dòng họ, thôn bản, tổ dân phố, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện, đơn vị lực lượng vũ trang… không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Hội khuyến học tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết, phối hợp, thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...
Phát triển tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng các mô hình học tập, chú trọng đào tạo từ xa. Củng cố và phát triển các tổ chức hội khuyến học ở các cộng đồng dân cư; phát triển tổ chức khuyến học trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, viện nghiên cứu và trong lực lượng vũ trang..., gắn kết các tiêu chí công nhận mô hình học tập, công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập… với việc công nhận các mô hình văn hóa, với các danh hiệu thi đua…
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên; giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá trong các cơ sở giáo dục thường xuyên phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam…
Tiếp tục xóa mù chữ cho người lớn, thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nâng cao tỷ lệ và chất lượng xóa mù chữ cho người lớn gắn với việc phổ cập nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với người dân tộc thiểu số và phụ nữ. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, củng cố kết quả mù chữ, chống tái mù để mọi người, mọi lứa tuổi đều có quyền học tập suốt đời phù hợp với điều kiện của mỗi cá nhân, với yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước…
Đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng công dân học tập, đơn vị học tập và tỉnh, thành phố học tập. Rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, tôn vinh các tập thể, cá nhân đóng góp các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để củng cố, phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng cấp xã; tạo thuận lợi cho các trung tâm học tập cộng đồng tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, đào tạo nghề, xây dựng xã hội học tập thật sự hiệu quả…
Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là đối với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO); nghiên cứu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ của các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan nghiên cứu quốc tế về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Chủ động, tích cực tham gia mạng lưới “Thành phố học tập” do UNESCO điều hành...
Khuyến khích việc học và nghiên cứu ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước. Vận động đội ngũ trí thức tài năng là người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Nhân Dân điện tử