Khảo sát về chính sách hỗ trợ phát triển mỗi xã một sản phẩm

Cập nhật ngày: 05/04/2023 17:19:16

http://baodongthap.com.vn/database/video/20230405052134khaosat20210.mp4

 

ĐTO - Ngày 5/4, ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn khảo sát kết quả triển khai chính sách hỗ trợ, công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; hiệu quả của các lô hàng nông sản lần đầu tiên được xuất khẩu nước ngoài và một số mô hình quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương tại 2 huyện: Châu Thành, Lai Vung.


Đoàn khảo sát làm việc với UBND huyện Lai Vung

Qua khảo sát cho thấy, hiện nay chưa có chính sách đặc thù riêng cho Chương trình OCOP mà chủ yếu thực hiện lồng ghép với các chính sách hỗ trợ từ các chương trình khác theo Nghị quyết số 44 ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động và khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; hỗ trợ kinh phí thực hiện lồng ghép từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Thông tư số 53 ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Qua 4 năm triển khai Chương trình OCOP, các chủ thể OCOP trên địa bàn 2 huyện được cấp chứng nhận đạt từ 3 - 4 sao đều được tiếp cận các chương trình hỗ trợ phát triển nhãn mác, bao bì, tập huấn, hướng dẫn thực hiện kế hoạch, dự án phát triển sản phẩm; đồng thời hướng dẫn, định hướng xây dựng câu chuyện sản phẩm để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đến nay, 2 huyện có tổng cộng 61 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng đạt chuẩn từ 3 - 4 sao. Việc duy trì các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được thực hiện thường xuyên và liên tục thông qua các chương trình hỗ trợ cho các chủ thể duy trì, phát triển chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đã công bố, hỗ trợ tem và tập huấn cho các chủ thể về các chương trình xúc tiến thương mại. Hằng năm, UBND 2 huyện cũng chỉ đạo UBND xã, thị trấn rà soát các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 - 4 sao hoàn thiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ để tham gia đánh giá phân hạng lại khi đến kỳ gia hạn theo quy định.


Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành phát biểu kiến nghị với đoàn khảo sát

Theo đánh giá của UBND 2 huyện, khó khăn hiện nay là các chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP chủ yếu lồng ghép từ nhiều chương trình, dự án, kế hoạch nên còn sự chồng chéo; nội dung hỗ trợ chưa phong phú, còn ràng buộc nên các chủ thể gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, vấn đề bao bì, nhãn hiệu vẫn chưa được chuẩn hóa hoàn thiện theo quy định của Chương trình OCOP và xu hướng thị trường. Qua khảo sát, các địa phương còn phản ánh trong đánh giá sản phẩm OCOP còn nhiều tiêu chí đánh giá chưa phù hợp, mang tính định tính, cảm quan và một số cơ sở chưa có chiến lược phát triển sản phẩm, chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng.

DƯƠNG CẦM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn