Không để cán bộ “dôi dư” băn khoăn khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính
Cập nhật ngày: 02/11/2023 12:08:27
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Nam, nếu không làm tốt chính sách hỗ trợ sẽ tạo ra tâm lý băn khoăn của nhiều cán bộ “dôi dư” do việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) phát biểu ý kiến thảo luận ở hội trường sáng 2/11 (Ảnh: DUY LINH)
Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, sáng 2/11, Quốc hội thảo luận về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch tài chính Quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025…
Bố trí ngân sách bảo đảm ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở
Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) nhất trí cao với báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.
Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu bố trí ngân sách đảm bảo ổn định chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2004, đại biểu nhất trí cao với chủ trương tăng bổ sung cân đối ngân sách địa phương. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn ở địa phương.
Trong giai đoạn ngân sách 2022 - 2025, một số chính sách do Trung ương ban hành chưa kịp bố trí trong ngân sách địa phương ngay trong đầu giai đoạn ổn định ngân sách, dẫn đến việc khi chính sách có hiệu lực thi hành, các địa phương phải sử dụng nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ khác để kịp thời chi trả chế độ cho đối tượng phù hợp.
Đến nay, một số chính sách, chế độ mới do Trung ương ban hành và thực hiện làm tăng chi ngân sách địa phương rất lớn. Điều này gây áp lực lớn cho các địa phương.
Quang cảnh phiên thảo luận (Ảnh: DUY LINH)
Về chính sách tăng lương ở cấp cơ sở, đại biểu cho biết, trong đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025, ngân sách Trung ương đã xác định mặt bằng chi ngân sách để bảo đảm thực hiện chính sách tiền lương theo mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Nếu nâng mức lương cơ sở như năm 2023 tăng lên 1,8 triệu đồng thì ngân sách Trung ương bố trí bổ sung cho địa phương.
Mặt khác, đại biểu Nam nêu rõ, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2019 - 2021, nhiều cán bộ dôi dư phải có chính sách hỗ trợ vẫn chưa giải quyết xong.
Đến nay, việc sắp xếp đơn vị hành chính tiếp tục thực hiện giai đoạn 2023 - 2025 thì việc bố trí nguồn lực để giải quyết chế độ cho cán bộ dôi dư là rất lớn.
Đại biểu cho rằng, nếu không làm tốt chính sách này sẽ tạo ra tâm lý băn khoăn của nhiều cán bộ dôi dư do việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Từ thực tiễn trên, khi Chính phủ đã cân đối được nguồn lực, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, đồng ý với đề xuất của Chính phủ tăng bổ sung cân đối cho các địa phương 2% so với dự toán năm 2023 để giảm bớt khó khăn cho các địa phương đang nhận cân đối từ ngân sách Trung ương.
Quan tâm các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm
Phát biểu tại hội trường, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) chỉ rõ một số tồn tại, bất cập như chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm, khả năng sẽ không đạt được kế hoạch chỉ tiêu 5 năm. Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng đang có hướng tăng và tiếp cận với mức trần.
Năm 2023, có khoảng 43/63 địa phương có thể sẽ hụt thu ngân sách, một số khoản thu chưa có tính bền vững. Bên cạnh đó, về thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tổ chức sẽ tiếp tục giảm thu ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn, một số khoản thu ngân sách sẽ ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách.
Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm và những năm tới, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về thu, chi ngân sách.
Về dự toán ngân sách năm 2024, phương án điều tiết ngân sách giữa Trung ương và địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách, bảo đảm nhiệm vụ chi của các địa phương chưa thực hiện cân đối được ngân sách, thu ngân sách không đạt được dự toán. Chính phủ đề nghị tăng bổ sung cân đối cho địa phương 2% so với dự toán năm 2023.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) tham gia ý kiến thảo luận (Ảnh: DUY LINH)
Đồng tình với phân tích của đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ), đại biểu Lan cho biết, qua giám sát tại địa phương, có tình trạng luật quy định nhiệm vụ thực hiện nhưng ngân sách trung ương không tăng chi thường xuyên nên không có nguồn lực để thực hiện. Có quy định phải bảo đảm đầu tư hạ tầng cơ sở sau khi luật có hiệu lực nhưng chưa có dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công nên không được giải quyết.
Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét quyết định việc điều tiết ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần có kết quả khảo sát, đánh giá thực tế tại các địa phương về yêu cầu nhiệm vụ chi cho các chính sách mới theo quy định để có giải pháp phù hợp với từng địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.
Ngoài ra, đại biểu bày tỏ thống nhất với việc xử lý bù chi ngân sách năm 2024 cho một số địa phương để bảo đảm chi ngân sách địa phương không thấp hơn mức chi năm 2023; ưu tiên bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chi cho con người.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần thực hiện rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thu, chi ngân sách, cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 23 của Quốc hội khóa XV, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước và bảo đảm kỷ cương tài chính ngân sách.
Theo VĂN TOẢN (NDO)