Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021)
Kỳ 5:Truyền thống vẻ vang của Đường Hồ Chí Minh trên biển
Cập nhật ngày: 27/10/2021 17:26:03
ĐTO - Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, xây dựng nên truyền thống vẻ vang.
>> Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021)
>> Kỳ 2: Sự phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển
>> Kỳ 3: Sự phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển
>> Kỳ 4: Sự phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển
Một góc Di tích lịch sử Quốc gia đường Hồ Chí Minh trên biển tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Internet)
Trước hết, đó là sự trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhân dân; nêu cao ý chí quật cường, dũng cảm; khát vọng độc lập, tự do và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng; sẵn sàng xả thân chiến đấu hy sinh để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng mở đường vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, lực lượng vận tải quân sự đường biển đã nêu cao ý chí quật cường, dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt và chiến thắng vẻ vang. Tiêu biểu như Tàu 41, 42, 154... các đồng chí Bông Văn Dĩa, Phan Văn Nhờ (tức Tư Mau), Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu... là điển hình của những tập thể, cá nhân anh hùng; và biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh ở lại với con đường biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ đã làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, là phát huy sức mạnh tổng hợp, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, chính quyền và Nhân dân các địa phương, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Công tác vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam là công việc vô cùng khó khăn, ác liệt, nhưng với tinh thần quả cảm và trình độ nghiệp vụ tinh thông, trình độ tổ chức, chỉ huy thống nhất, kiên quyết, bí mật, hiệp đồng chặt chẽ, kết hợp chiến thuật với kỹ thuật, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; cán bộ, chiến sĩ tuyến vận tải biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã được sự đùm bọc, chở che của các lực lượng, chính quyền và Nhân dân các địa phương hai miền Nam - Bắc; được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế trong chuyên chở, tiếp nhận hàng hóa, vũ khí, cung cấp lương thực, thực phẩm, sửa chữa tàu, thuyền, cấp cứu cán bộ, chiến sĩ bị thương, ốm đau... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm nên huyền thoại của một con Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Sau cùng, là nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; đoàn kết, thống nhất, kỷ luật nghiêm minh; nắm vững khoa học kỹ thuật; khắc phục khó khăn, phá thế bao vây của địch; linh hoạt, mưu trí, sáng tạo, liên tục tiến công, quyết chiến, quyết thắng; tìm ra nhiều phương thức vận chuyển có hiệu quả.
Ra đời và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày đầu lực lượng vận tải quân sự trên biển chỉ có 4 tàu gỗ thô sơ gắn máy và 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt; cán bộ với trang bị hàng hải thô sơ, nhưng bằng trình độ và kinh nghiệm dày dạn, đã nắm vững kỹ thuật điều khiển tàu và khả năng phán đoán thời tiết, nắm vững địa hình, hàng hải thiên văn, giữ nghiêm kỷ luật chiến trường; mưu trí, khéo léo kết hợp với cải dạng, ngụy trang, nghi binh, tạo nên yếu tố bí mật, bất ngờ; kết hợp giữa hoạt động bí mật và công khai, giữa du kích và hiện đại, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế, sáng tạo ra chiến thuật độc đáo trong vận tải. Sau một thời gian hoạt động đã trở thành lữ đoàn vận tải, đảm đương hướng chiến lược trên biển, với những trang bị từng bước hiện đại, đưa vũ khí đạn dược và đưa, đón cán bộ, chiến sĩ vào các chiến trường đúng lúc, đúng thời cơ; góp phần duy trì, phát triển chiến tranh cách mạng, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, tháng 9/1963, Đoàn 759 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai; Tàu 41 được tặng Huân chương Quân công hạng Nhất; các tàu 43, 54, 55 và 56 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; các tàu 42, 67 và 68 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đoàn 125 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất ngày 30/4/1966, Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất ngày 1/1/1967 và lần thứ hai ngày 3/6/1976. Tổng kết đợt hoạt động “Chiến dịch CQ-88” (năm 1988), Lữ đoàn 125 có 2 tập thể: Tàu HQ505, tàu HQ931 và 1 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Lữ đoàn 125 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất (năm 2011), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (năm 2016).
(Còn nữa)
Đ.D