Người Đồng Tháp

Kỳ 8: Năng động - “mầm” của sức sống mới

Cập nhật ngày: 18/02/2025 10:11:29

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250218101346dt3-1.mp3

 

ĐTO - Như nhiều phẩm chất quý của con người bị ẩn giấu, người Việt Nam ở Đồng Tháp có tính năng động khá nổi trội. Phẩm chất này đã từng góp phần biến “cánh đồng hoang” thành nơi trù phú. Và, nó chính là “mầm” tiếp tục nảy nở, đâm chồi, ra hoa, kết quả tạo nên vùng đất đáng sống - “Đồng Tháp - Đất Sen hồng”. Vùng “đất lành” này sẽ tiếp tục sản sinh và thu hút những “đại bàng” để có thể cất cánh bay cao “bằng chị, bằng em” trong thời hiện đại.

>> Kỳ 1: Yêu nước - nguồn lực của thịnh vượng

>> Kỳ 2: Đoàn kết - tự nhiên và trong sáng

>> Kỳ 3: Trung thực - sáng mãi với thời gian

>> Kỳ 4: Tự lực - cơ sở của sự độc lập và thích ứng trong giai đoạn mới

>> Kỳ 5: Chăm chỉ - nền sáng tạo

>> Kỳ 6: Hợp tác - tất yếu và tiền đề

>> Kỳ 7: Nghĩa tình - vốn có và “vốn” quý

Năng động là chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm. Là làm việc một cách nhiệt huyết, cố gắng hết sức nhằm thực hiện tốt những công việc đã định. Là khả năng hoạt động tích cực của một cá nhân hay tập thể nhằm tác động có chủ đích thay đổi khách thể. Gần như “song sinh”, năng động gắn liền với sáng tạo. Năng động, sáng tạo là phẩm chất vô cùng quý giá của mỗi người và xã hội ở bất cứ giai đoạn nào, nhất là trong xã hội hiện đại. Trước đây, không ít người nghĩ rằng người Việt Nam nói chung, người Việt Nam ở Đồng Tháp nói riêng chỉ cần cù, thiếu năng động. Dĩ nhiên, quan niệm ấy có cơ sở của nó bởi một thời phần đông người sống trong lũy tre làng với cách canh tác lúa nước gắn hình ảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Xã hội ấy cần lao động cơ bắp, tinh thần làm việc cần cù và được khuyên dạy “lấy cần cù bù thông minh”.

Thế nhưng, điều ấy không phải là tất cả và nhất là đối với người Việt Nam ở Đồng Tháp. Nơi đây là vùng đất mới, hoang vu và khắc nghiệt. Đến và định cư ở Đồng Tháp phải là những con người “dấn thân”. Để tồn tại và phát triển, người Đồng Tháp phải tự mình và liên kết với nhau dựng nhà trong điều kiện mùa nước nổi; lập ấp, dựng làng tạo nên các cộng đồng dân cư ngày càng đông đúc; tiến hành khai hoang, phục hóa trên những cánh đồng năng, lác để làm ra những “hạt ngọc”; cải tiến nông cụ, dụng cụ làm ra các vật dụng thiết yếu cho đời sống; tạo những phương tiện đánh bắt các loài vật chẳng những đảm bảo sinh nhai mà còn đổi chác, mua bán dành dụm cho cuộc sống sau này.

Bên cạnh hoạt động “tìm kế sinh nhai”, theo lời kêu gọi của Tổ quốc và của Đảng Cộng sản Việt Nam, người Đồng Tháp tham gia các phong trào chống lại các thế lực cường quyền và xâm lược để giành lại độc lập, tự do và bình đẳng. Họ quyết chí tìm các cách thức đánh giặc. Sự năng động ấy đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương và đất nước.

Nền tảng tinh thần ấy được kích hoạt mạnh mẽ khi Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp chủ trương “chinh phục vùng Đồng Tháp Mười”. Công việc này được một số chuyên gia kể cả chuyên gia có uy tín ở nước ngoài cho rằng là điều không thể. Nhưng, Đảng bộ và Nhân dân Đồng Tháp đã kiên cường và quyết liệt làm hồi sinh một vùng đất được khuyến cáo hãy để nó “ngủ yên”. Từng là nơi bị ngập lụt sâu nhiều tháng trong năm, họ đã tìm nhiều cách để có thể “sống chung với lụt (lũ)” và biết khai thác các nguồn lợi từ nó. Trong thời kỳ đất nước đổi mới mà nhất là những năm gần đây, người Đồng Tháp kịp thời tham gia tiến trình đất nước hội nhập sâu vào thế giới, phát triển nền kinh tế thị trường đầy sôi động, ứng dụng khoa học - công nghệ mà nhất là số hóa trong đời sống xã hội, ứng phó với đại dịch, thích ứng với sự thay đổi môi trường...

Tuy nhiên, không ít người trong đó có giới trẻ vẫn thu mình “trong lũy tre làng”, an phận với hiện tại; ngại khó, ngại khổ và ngại “vươn ra biển lớn”; thiếu ý chí lập thân, lập nghiệp, thoát nghèo... ấy chính là “điểm nghẽn”, “điểm tắt” nội tại cản trở, phá hủy cá nhân tiến bộ, gia đình giàu có, quê hương thịnh vượng. Ở đây, cơ quan lãnh đạo, chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội của từng giới chịu trách nhiệm chính trong việc định hướng, dẫn dắt đối tượng của mình.

Bên cạnh “truyền lửa” về tinh thần bất khuất từ các thế hệ “mở cõi” và kháng chiến, cơ quan chức năng cần tạo “nhịp cầu”, giới thiệu về những tấm gương thành công trong học tập, thành đạt trong cuộc sống, thành quả trong sản xuất - kinh doanh và trở thành “Công dân tiêu biểu” của Đất Sen hồng để truyền cảm hứng trong mỗi người dân. Hơn thế, bằng các nguồn lực, lợi thế và cơ chế, cơ quan có thẩm quyền tạo ra “sân chơi” thuận lợi, bình đẳng cho tất cả người bản địa và “tứ xứ” thỏa sức thi thố tài năng và làm giàu. Một môi trường đa dạng người và lĩnh vực có cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo nên sự năng động của mỗi người. Trước mắt, các chủ thể (từ các tổ chức trong hệ thống chính trị đến mỗi cá nhân) thực hiện cho kỳ được lộ trình kinh tế số, chính quyền số và xã hội số.

Do môi trường tự nhiên khắc nghiệt, người Đồng Tháp đã năng động để “mở mang bờ cõi” và góp phần giành độc lập cho Tổ quốc. Các thế hệ kế tiếp đã “chinh phục” vùng đất, thuần phục vật nuôi và đang “khởi nghiệp” tạo ra tiền đề của quê hương trù phú. Trong tương lai gần, thế giới khó đoán định và đất nước đang vươn mình mãnh liệt, tính năng động của người Đồng Tháp có “đất để dụng võ”. Đây là hành trình cần có sự mạo hiểm để đạt sự giàu có của mỗi gia đình và thịnh vượng, văn minh của quê hương “Đồng Tháp - Đất Sen hồng”.

Kỳ 9: Sáng tạo - kỹ năng của tương lại

DÂN BIỆN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn