Đồng Tháp: Kinh nghiệm trong việc thực hiện mô hình nhất thể hóa

Kỳ II: Khi lãnh đạo “từ chối” biên chế

Cập nhật ngày: 06/10/2017 15:09:56

ĐTO - Nếu như những cơ quan nhà nước muốn xin thêm biên chế, hoặc tranh thủ biên chế thì một số đơn vị thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND (còn gọi là mô hình Nhất thể hóa) lại từ chối biên chế với lý do muốn tinh gọn bộ máy và nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách, không chuyên trách cấp xã, phường. Đây là một thực tế tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành và phường An Lạc, TX.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

TIN LIÊN QUAN

>> Kỳ I: Quyết liệt thực hiện


Đồng chí Cao Thị Ngọc Chi - Bí thư Xã đoàn kiêm cán bộ tuyên giáo xã An Nhơn (đứng giữa) thực hiện tốt công việc chuyên môn dù đảm nhiệm 2 công việc

Thống nhất chủ trương, giảm hội họp

Mô hình nhất thể hóa đã giảm hội họp, thống nhất chủ trương trong lãnh đạo đội ngũ công chức; điều đặc biệt là tiết giảm tối đa số biên chế hiện có thông qua công tác kiêm nhiệm. Từ năm 2014 đến nay, Thị ủy Hồng Ngự điều động 2 đồng chí từ ngành cấp thị xã không phải người địa phương về đảm trách nhiệm vụ. Đối với người mới được điều động nhiệm vụ mới khá khó khăn do đây là nhiệm vụ mới. Đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường An Lạc cho biết: “Lúc đầu bản thân tôi cũng lo ngại việc chồng chéo trong công tác điều hành. Sau khi nghiên cứu kỹ thì mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy với UBND phường trên nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trong đó việc tuân thủ, thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương của tập thể đồng thời cụ thể hóa việc thực hiện bằng các văn bản, chương trình kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả, có trách nhiệm điều hành quản lý, cải tiến lề lối làm việc. Khi cần giải quyết công việc, Bí thư có thể tập hợp cả thường vụ Đảng ủy và UBND để quán triệt cùng một lúc nên mọi việc được giải quyết rất nhanh, giảm hội họp, dành thời gian cho công việc...”.

Với nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND là người trực tiếp tiếp thu, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên, trực tiếp xây dựng chủ trương, Nghị quyết của cấp ủy và cũng chính là người chịu trách nhiệm chỉ đạo. Tại phường An Lạc, khi vận dụng nhất thể hóa, Bí thư cấp ủy linh hoạt, chủ động hơn trong công tác triển khai thực hiện các chủ trương của cấp ủy cũng như chính quyền. Chính sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền của mô hình đã khắc phục tình trạng cấp ủy bao biện làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với chính quyền, nhất là đùn đẩy trách nhiệm khi làm sai.

So với những địa phương khác của huyện Châu Thành thì xã An Nhơn lại không phải là một địa bàn thuận lợi về vị trí địa lý để triển khai thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Xã có 7 ấp (trong đó có 3 ấp ở vùng cù lao). Giữ vai trò lãnh đạo, điều hành, đồng chí Võ Đình Trọng - Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết: “Ngày đầu tuần, Bí thư Đảng ủy xã mời Ban thường vụ Đảng ủy xã dự họp; đôi lúc mời 2 đồng chí Phó Chủ tịch họp chung. Như vậy, thay vì sáng họp Ban thường vụ chiều họp Ủy ban, Bí thư Đảng ủy xã họp chung 1 lần vào buổi sáng đầu tuần; chiều đến, tôi và các đồng chí khác sẽ họp cán bộ, công chức khối nhà nước. Coi như 3 cuộc họp giảm còn 2 cuộc họp. Khi họp đưa ra vấn đề và giải quyết các vấn đề đó. Thông thường nếu không kiêm nhiệm thì Chủ tịch họp, nếu đề xuất vấn đề gì, Chủ tịch phải gặp Bí thư xin ý, nhưng do họp 1 lần nên tôi giải quyết công việc tại chỗ. Cái hay ở đây là vừa giảm họp, giải quyết công việc rất nhanh chóng...”.

Những vấn đề “nhạy cảm” như vấn đề tài chính cũng được giải quyết khá hài hòa vì ở vai trò Bí thư đồng thời Chủ tịch, bản thân người lãnh đạo nắm rõ những phần việc được đề ra có đủ kinh phí, thực hiện có khả thi hay không?. Khi thực hiện nhất thể hóa, nhiều người lo ngại việc “lạm dụng” quyền lực, “độc đoán” trong quá trình lãnh đạo, điều hành. Tuy nhiên thực tế ở xã An Nhơn cho thấy, dù là ý kiến của cá nhân Bí thư, Chủ tịch đưa ra nhưng phải được sự thống nhất của Ban chấp hành và các đồng chí Phó Chủ tịch; các vấn đề được thống nhất, quán triệt đến đảng viên, công chức, phối hợp cùng hội đoàn thể, phần nào khắc phục được thói quen “mạnh ai nấy biết”.

Khi lãnh đạo “từ chối” biên chế

Đảng bộ phường An Lạc có 196 đảng viên với 12 chi bộ trực thuộc gồm chi bộ khóm, chi bộ ngành, chi bộ trường, 1 chi bộ hợp tác xã nông nghiệp. Về số lượng biên chế, lãnh đạo phường bố trí 38 đồng chí/43 chức danh theo quy định phường loại 2. Trong đó các chức danh bố trí kiêm nhiệm gồm Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phường kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Chủ tịch Cựu chiến binh kiêm Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy; công chức Văn phòng thống kê kiêm cán bộ nội vụ. Đối với đội ngũ công chức chuyên trách, không chuyên trách, kiêm nhiệm là một công việc không đơn giản do áp lực công việc từ nhiều phía.

Đồng chí Trần Quốc Vinh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo phường An Lạc cho biết: “Tôi công tác gần 10 năm, từng công tác Đoàn, tư pháp, hiện tại đang nhận công việc Hội Cựu chiến binh và Tuyên giáo. Khi làm việc không kiêm nhiệm thì thu nhập thấp, hiện nay kiêm nhiệm thì được hỗ trợ thêm phụ cấp dù hệ số kiêm nhiệm thấp nhưng thu nhập cũng đã cải thiện khoảng trên dưới 4,5 triệu đồng/tháng. Bản thân tôi nghĩ việc kiêm nhiệm cũng bình thường, chủ yếu phải biết sắp xếp công việc, tôi rất đồng tình, nhất trí việc kiêm nhiệm vì công tác Đảng, đoàn thể cũng hài hòa. Trong công tác điều hành, mô hình Nhất thể hóa hiệu quả, nếu đoàn thể muốn xin chủ trương, kinh phí thực hiện rất đơn giản, đỡ vất vả xin ý đồng chí Bí thư, sau đó đến xin ý Chủ tịch; mô hình giúp tôi thuận lợi khi làm việc được giao tại cơ quan...”.

Tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành hiện có 39 cán bộ, công chức/tổng số 47 biên chế tại địa phương. Đồng quan điểm về hiệu quả công việc kiêm nhiệm, ủng hộ mô hình Nhất thể hóa, đồng chí Cao Thị Ngọc Chi - Bí thư Xã đoàn kiêm cán bộ Tuyên giáo xã An Nhơn chia sẻ: “Tôi đảm nhận việc kiêm nhiệm công tác 2 lĩnh vực từ tháng 8/2016, sau hơn 1 năm công tác, tôi đã bắt đầu quen với công việc, cũng thuận lợi do nắm bắt chủ trương bên lĩnh vực tuyên giáo, sau đó triển khai gắn với công tác Đoàn nên cũng khá tốt. Ngoài ra, khi kiêm nhiệm thu nhập cũng tăng lên, công việc cũng hài hòa, để tốt hơn cho chuyên môn, tôi được tạo điều kiện học tập về chính trị, nghiệp vụ. Đến nay, tôi đã đủ chuẩn để đảm nhiệm công việc, thu nhập của tôi so với trước khi kiêm nhiệm tăng từ 20 - 40%...”.

Với vai trò lãnh đạo, điều hành, đòi hỏi người lãnh đạo phải hiểu rõ đội ngũ cán bộ của mình, những sở trường, sở đoản, có lộ trình đào tạo bồi dưỡng, nhìn nhận năng lực chuyên môn. Tại Đồng Tháp, khi vận dụng mô hình đã phát huy vai trò người lãnh đạo trong việc tuân thủ các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động bám sát cơ sở, công tác điều hành gắn với công tác Đảng vẫn đảm bảo tính dân chủ, thống nhất trong công tác xây dựng Đảng; chuẩn hóa đội ngũ, kiểm tra, giám sát, công tác phối hợp lãnh đạo hoạt động các đoàn thể chính trị xã hội được đảm bảo. Tình hình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đạt và vượt chỉ tiêu về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, đường giao thông nông thôn, thu ngân sách nhà nước, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, người dân đồng thuận hưởng ứng, đồng lòng cùng với Đảng, chính quyền xây dựng địa phương.

Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình Nhất thể hóa, đồng chí Võ Đình Trọng - Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết thêm: “Quan điểm của tôi là đồng tình với việc thực hiện và duy trì mô hình, vì bộ máy được tinh gọn 39/47 biên chế, nghĩa là chúng tôi hiện dư biên chế và cũng không muốn xin thêm, không muốn tuyển thêm vì chúng tôi và các đồng chí của mình đã và đang làm rất tốt công việc, dù kiêm nhiệm hơi vất vả nhưng anh em đồng lòng, nhận nhiệm vụ và làm tốt, thu nhập của họ được cải thiện đáng kể. Bộ máy tinh gọn, cán bộ, công chức có trách nhiệm, sáng kiến, cải tiến gắn với hiệu quả công việc, đời sống người dân cải thiện là những ưu điểm khi chúng tôi thực hiện mô hình này...”.

(Hết)

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn