Lãng phí chi cho bệnh thành tích nhiều hơn chính sách dân sinh

Cập nhật ngày: 30/10/2018 04:22:45

Đại biểu Quốc hội lo ngại, lãng phí chi để phục vụ bệnh thành tích nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh.

Phần chi cho đầu tư phát triển vẫn chủ yếu từ nguồn đi vay. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực.

Lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích hoặc bệnh hình thức, như tổ chức rất nhiều sự kiện, những lễ kỉ niệm, những lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang và xây dựng các trụ sở nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh.


Đại biểu Leo Thị Lịch

Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017, trong ngày 29/10.

Theo đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang), như trong các báo cáo trình Quốc hội đã phản ánh, trong điều kiện ngân sách quốc gia chưa phải dư giả, phần chi cho đầu tư phát triển vẫn chủ yếu từ nguồn đi vay. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực. Nổi cộm là trong đầu tư xây dựng cơ bản, ngoài những thất thoát, lãng phí do không quản lý được chất lượng, hiệu quả dự án, tình trạng đội vốn đầu tư, chậm tiến độ... thì việc chuyển nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là rất lớn. Nhiều dự án vốn vay chậm giải ngân, phần lớn do yếu tố chủ quan. Những sự lãng phí này cần sớm được khắc phục.

Trong chi thường xuyên vẫn còn nhiều những khoản chi mua sắm thiết bị đắt tiền quá mức mà không sử dụng hết công năng, chi hội nghị, lễ hội, khánh tiết, ngày kỷ niệm còn dềnh dàng và tổ chức hoành tráng gây tốn kém. Bên cạnh đó, có khoản chi không sử dụng hết, phải hủy bỏ dự toán khá lớn, tới 9.017 tỷ đồng năm 2017 gây lãng phí nguồn lực trong khi còn nhiều chính sách khác chưa có vốn.

Lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền chùa

Tốc độ tăng chi cân đối ngân sách nhà nước trung bình lớn hơn tốc độ tăng thu cân đối ngân sách nhà nước trung bình. Hay là tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn thu thường xuyên. Chi thường xuyên tăng trong lúc chi đầu tư giảm.


Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Chính phủ cần làm rõ những tồn tại chính trong cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, làm rõ nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân sách do đâu. Tại sao những bất cập trong chi tiêu công đã được đặt ra từ rất nhiều năm nay nhưng chậm được khắc phục và vẫn đang tiếp tục duy trì ở mức cao. Đây là một trong những nguyên nhân gây thâm hụt ngân sách nhà nước.

“Ngoài những nguyên nhân đã được các đại biểu phân tích thì tôi muốn nhấn mạnh thêm một nguyên nhân nữa mà cử tri và các đại biểu quan tâm, rất bức xúc, đó chính là chúng ta đã sử dụng ngân sách một cách lãng phí. Lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền chùa. Lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích hoặc bệnh hình thức, như tổ chức rất nhiều sự kiện, những lễ kỉ niệm, những lễ đón nhận danh hiệu một cách hoành tráng, rầm rộ, các hoạt động thăm hỏi thì rình rang và xây dựng các trụ sở nhiều hơn là thực hiện các chính sách dân sinh”, đại biểu Mai Hoa nói.

Theo đại biểu Mai Hoa, cách đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách hiện nay đang có vấn đề. Chủ yếu đang đánh giá dựa trên tỷ lệ giải ngân và khi cần tiết kiệm thì thực ra chỉ là cắt giảm hoạt động một cách cơ học. Trong khi lẽ ra hiệu quả đầu tư phải được đánh giá qua sản phẩm thu được từ tiền ngân sách như thế nào. Một cuộc hội thảo được tổ chức hiện nay đang được đánh giá hiệu quả thông qua việc quy mô, số lượng đại biểu và thành phần tham dự như thế nào, kinh phí hội trường, kinh phí hỗ trợ cho việc đi lại, ăn nghỉ đang rất lớn.

Đại biểu Mai Hoa cho rằng, cần phải đánh giá thông qua sản phẩm được nghiệm thu của hội thảo đó. Đó là những bài tham luận có giá trị, là những kiến nghị, đề xuất quan trọng thông qua hội thảo. Vì vậy, cần phải nghiên cứu cách đánh giá hiệu quả đầu tư.

Từ thực tiễn đó, đại biểu Mai Hoa đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong quản lý ngân sách và đẩy nhanh tiến độ giao tự chủ gắn trách nhiệm giải trình, khoán chi gắn với cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ.

Bích Lan/VOV

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn