Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tiếp và giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả, đúng quy định

Cập nhật ngày: 03/03/2022 08:45:03

ĐTO - Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thường xuyên quan tâm, lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc giải quyết các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân ngay từ khi mới phát sinh. Đồng thời giao Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tập huấn cho các huyện ủy, thành ủy và đảng ủy các xã, phường, thị trấn bằng hình thức trực tuyến với hơn hàng trăm người tham dự.


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (thứ 2, hàng bên phải) tiếp công dân liên quan đến khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND các cấp tổ chức trên 17 cuộc với 890 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia tập huấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Quy định số 11 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Năm 2021, toàn tỉnh tiếp 3.802 lượt công dân (giảm 1.326 lượt so với năm 2020). Trong đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp 55 lượt, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp 11 lượt và Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức tiếp 3 lượt công dân. Các cơ quan tư pháp đã tổ chức tiếp 222 lượt công dân, trong đó Công an tỉnh đã tổ chức tiếp 97 lượt, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp 46 lượt, Tòa án nhân dân tỉnh tiếp 79 lượt công dân... Nội dung tiếp công dân chủ yếu liên quan đến khiếu nại về đất đai (tranh chấp quyền sử dụng đất, ranh đất, thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư), khiếu nại bản án, khiếu nại việc thi hành án dân sự, hành chính.

Nhìn chung, công tác tiếp công dân từ tỉnh đến cơ sở đã có những chuyển biến tích cực, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã chủ động dành thời gian trực tiếp tiếp công dân, lắng nghe dân, đối thoại trực tiếp với dân. Qua công tác tiếp công dân, các nội dung kiến nghị, phản ánh được giải thích, hướng dẫn đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết đúng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại và tố cáo, các cơ quan hành chính tiếp nhận 2.364 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 69 đơn so với năm 2020). Trong đó, đơn đủ điều kiện xử lý là 1.923/2.364 đơn. Cụ thể, cơ quan hành chính thụ lý theo thẩm quyền 1.213/1.923 đơn (649 đơn khiếu nại, 22 đơn tố cáo, 1.252 đơn kiến nghị, phản ánh); ban hành văn bản hướng dẫn 305 đơn; chuyển cơ quan có thẩm quyền 379 đơn; đôn đốc giải quyết 26 đơn do không đủ điều kiện xử lý. Nội dung các đơn, thư chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thu hồi đất các dự án trên địa bàn tỉnh; chậm thi hành bản án của Tòa án; tranh chấp dân sự, chế độ khen thưởng thành tích kháng chiến, tác phong làm việc, sai phạm của cán bộ, đảng viên; một số trường hợp đã được giải quyết hết thẩm quyền, chuyển sang tố cáo cán bộ.

Qua công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Quy định số 11 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân cho thấy, các cấp ủy, chính quyền và cán bộ, công chức nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhất là nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả nhiệm vụ hàng năm.

Đặc biệt, tỉnh còn thành lập Tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về rà soát và vận động thực hiện các chính sách, xử lý các vụ việc kéo dài khi triển khai thực hiện công trình, dự án trên địa bàn (Tổ công tác đã tiến hành nắm tình hình, vận động thực hiện 6 vụ khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài). Qua đó, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phối hợp giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, nổi cộm, kéo dài, góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TIẾN ĐẠT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn