Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức chặt chẽ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng các cấp

Cập nhật ngày: 29/09/2014 05:55:22

(Bài phát biểu của đồng chí Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy kết luận Hội nghị triển khai, quán triệt Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng)

Về công tác chuẩn bị văn kiện đại hội

Vừa qua, Thường trực các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và các cơ quan tham mưu cấp ủy cùng cấp đã tham dự hội nghị tập huấn công tác biên tập văn kiện đại hội do Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức. Tinh thần chung là phương pháp biên tập báo cáo chính trị vận theo 3 kiểu hành văn: kết cấu ngang, kết cấu dọc và kết cấu hỗn hợp. Điều đó dễ dẫn đến sự rập khuôn theo mô thức cũ, hoặc sao chép cấp trên - một trong những hạn chế thường thấy trong xây dựng nghị quyết, chương trình hành động của từng cấp ủy mà chúng ta đã nhận ra và đề cập đến trong những năm qua.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều là, tất cả chúng ta ở đây, những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia công tác biên tập, phải cùng quán triệt một nguyên tắc, đó là: “Muốn đưa nghị quyết đi vào cuộc sống thì trước hết phải đưa cuộc sống vào nghị quyết”. Điều đó thể hiện nội dung văn kiện phải vừa có tầm bao quát, vừa tùy theo từng cấp mà phải cụ thể hóa được chủ trương, định hướng lớn của Tỉnh ủy vào thực tiễn sinh động của mỗi ngành, địa phương. Nội dung văn kiện phải mang được hơi thở của cuộc sống, phản ánh trung thực kết quả đạt được, không tô hồng, không khẩu hiệu, tránh lý luận giáo điều. Phải có sự so sánh ngang để định vị được thứ bậc của đơn vị, địa phương mình trong sự phát triển chung của nhiệm kỳ qua, từ đó định hướng định tính để lãnh đạo trong nhiệm kỳ tới. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực đời sống xã hội, tập trung cụ thể hóa các định hướng lớn xuyên suốt nhiệm kỳ của tỉnh, đó là: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển du lịch; xuất khẩu lao động; xây dựng chính quyền năng động, phục vụ. Các cấp ủy cần đổi mới tư duy đột phá về quản lý kinh tế, nâng tầm quản lý các lĩnh vực đời sống trong một xã hội có nhiều thay đổi; không rập khuôn, máy móc, đóng khung trong những mô hình, khắc phục sự tự bằng lòng với thực trạng phát triển của địa phương, đơn vị mình.

Những vấn đề lý luận cơ bản tại các lớp cập nhật kiến thức chuyên đề văn hóa và kinh tế vừa qua là rất cần thiết, giúp chúng ta bổ sung thêm hành trang tri thức của mình. Những vấn đề mới đó tuy có thể chưa vận dụng được ngay, nhưng là những gợi mở cho mỗi cấp ủy và người đứng đầu có cách nhìn đa chiều, hợp quy luật vận động của xã hội, từ đó thích nghi với tư duy kinh tế thị trường. Điều quan trọng hơn hết là bản thân mỗi chúng ta phải suy nghĩ và hành động như thế nào cho hợp quy luật khách quan đó? Chúng ta không thể ngồi trong bốn bức tường mà xây dựng và ban hành nghị quyết.

Nhân đây, tôi xin trích đọc phát biểu của đồng chí Trường Chinh tại Hội nghị Trung ương 10 khóa V, mà theo tôi vẫn còn hoàn toàn phù hợp, đó là: “Trước yêu cầu bức thiết của cuộc sống, công tác lãnh đạo của Đảng ta phải được đổi mới một cách căn bản, thể hiện qua các mặt: đổi mới quan niệm, đổi mới nhận thức, đổi mới tư duy, từ đó mà đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là lãnh đạo kinh tế, là lĩnh vực quan trọng nhất, đồng thời cũng là khâu yếu nhất của Đảng ta hiện nay. Tư duy đó cũng chính là nắm vững quy luật và hành động theo quy luật”.

Thời gian từ nay đến đại hội đảng bộ cấp huyện không còn nhiều, tôi đề nghị Ban Thường vụ các cấp ủy nghiên cứu phương thức hiệu quả nhằm tập hợp được những tư duy phong phú của xã hội, góp nhặt những vấn đề mới, ý tưởng mới và cách nhìn thấu đáo trên các lĩnh vực thông qua các cuộc gặp mặt, hội thảo, đối thoại của các giai tầng trong xã hội như: cán bộ về hưu, các chuyên gia, đội ngũ trí thức, xã viên hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp... Từ đó, chúng ta mở rộng góc tiếp cận, tiếp thu những phản ứng tích cực từ xã hội về những thông điệp phát triển của địa phương, đơn vị, hướng tới việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đạt kết quả cao nhất.

Tôi đề nghị các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm vấn đề này trong công tác tham mưu thẩm định văn kiện đại hội đảng bộ các địa phương, đơn vị trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.

Về công tác chuẩn bị nhân sự đại hội

Vấn đề thứ nhất là công tác đánh giá cán bộ. Chúng ta sẽ tiến hành đánh giá cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý năm 2014 kết hợp với đánh giá cấp ủy đương nhiệm, cán bộ quy hoạch dự kiến đưa vào cấp ủy nhiệm kỳ tới. Đánh giá cán bộ là một nội dung rất quan trọng trong công tác cán bộ. Đây là vấn đề có liên quan đến yếu tố con người, là vấn đề rất khó, nhạy cảm, dễ dẫn đến tình trạng chung là nể nang, né tránh.

Khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về công tác đánh giá cán bộ là 1 trong 13 vấn đề trọng tâm được xác định trong Kế hoạch khắc phục của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4. Sau gần 2 năm thực hiện Kế hoạch, đã có những chuyển biến tích cực, song thật sự cũng chỉ mới là bước đầu. Vấn đề là làm sao chúng ta không để lập lại phương pháp nhìn nhận, đánh giá như cũ. Tôi đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục theo dõi, hướng dẫn cụ thể để Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức công tác đánh giá đi vào thực chất, từ đó chọn những người ưu tú, thực sự xứng đáng, được nội bộ và nhân dân tín nhiệm để giới thiệu đại hội bầu vào cấp ủy khóa mới đủ sức lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị trong tình hình mới. Chúng ta vừa cần những cán bộ đạt chuẩn chung, vừa cần những người đủ tầm, có ý chí đổi mới mạnh mẽ, biết sáng tạo, những cán bộ biết “tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn chứ không phải chỉ thấy khó khăn trong mọi cơ hội”.

Vấn đề thứ hai, việc khiếu nại, tố cáo cán bộ ở mỗi kỳ đại hội. Có một điều gần như chắc chắn là sẽ khó tránh khỏi việc này. Vấn đề quan trọng là chúng ta cần phải bình tĩnh, xem xét xử lý vấn đề một cách thấu lý, đạt tình. Ngoài ra, Ban Thường vụ cấp ủy huyện và tương đương cũng phải chỉ đạo chuẩn bị tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ phục vụ đại hội, trình cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận từng trường hợp cụ thể càng sớm càng tốt, không để phát sinh thắc mắc, so bì, ảnh hưởng đến việc xem xét giới thiệu cán bộ ứng cử.

Vấn đề thứ ba là việc thi hành kỷ luật trong Đảng. Như tôi đã từng phát biểu, trong thời gian qua đã có một vài tập thể, cá nhân chịu hình thức kỷ luật. Vấn đề này có ảnh hưởng ít nhiều đến tâm trạng cán bộ, đến tính đoàn kết trong cấp ủy và công tác chuẩn bị đại hội. Một lần nữa, tôi đề nghị các đồng chí thể hiện tinh thần trách nhiệm trước đảng bộ và nhân dân, gạt bỏ những bất đồng riêng tư, cùng ngồi lại để giải quyết những điểm nghẽn của sự phát triển, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của năm 2015 - Đó là đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh.

Về việc chấp hành Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị.

Sau hội nghị này, đề nghị: Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ Chính trị và các văn bản có liên quan của Trung ương, Tỉnh ủy trong đảng bộ mình bảo đảm thời gian theo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức chặt chẽ công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ cấp mình và cấp cơ sở; phát động phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực chào mừng đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh tiến tới Đại hội XII của Đảng.

Các ban đảng có liên quan và Văn phòng Tỉnh ủy cần tiếp tục theo dõi, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai, quán triệt bổ sung các hướng dẫn còn lại về thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị. Khẩn trương phối hợp với các đơn vị được chọn làm điểm để hướng dẫn, góp ý công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đạt yêu cầu đề ra. Có kế hoạch tham mưu Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổ chức đại hội điểm cấp huyện, cấp cơ sở và kịp thời tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm cho các địa phương còn lại nghiên cứu thực hiện.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần dành thời gian thích hợp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác chuẩn bị văn kiện, nhân sự và tổ chức đại hội cấp huyện (tương đương) tại tổ chức đảng được phân công giám sát thường xuyên, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo tháo gỡ.

(*) Tiêu đề do Tòa soạn đặt

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn