Lòng mẹ rộng vô cùng

Cập nhật ngày: 04/08/2016 11:20:11

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Trần Thị Nương (87 tuổi, hiện sống ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành) có chồng và con đã hi sinh anh dũng. Riêng mẹ, nhiều lần bị địch bắt bớ giam cầm, tra tấn. Nghe mẹ kể chuyện gia đình, tôi thấy sự hi sinh của mẹ tựa như câu hát: “Đất quê ta mênh mông, lòng mẹ rộng vô cùng”.

Động viên chồng con làm nhiệm vụ

Tân Bình là quê hương có truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường, anh dũng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, ngày nào bọn giặc cũng lùng sục, bắn phá, bắt bớ người dân vô tội. Bom rơi, đạn nổ, cuộc sống không được tự do, người dân Tân Bình lần lượt lên đường tham gia cách mạng. Trong bao lớp người yêu nước ấy có chồng mẹ Nương là ông Nguyễn Văn Búp và con trai là Nguyễn Văn Tuấn hăng hái tham gia.

“Năm 1964, ổng làm Bí thư xã Tân Bình. Cũng năm đó, thằng Tuấn tình nguyện tham gia Đội Trinh sát vũ trang, Ban An ninh tỉnh Vĩnh Long. Cả hai cha con đều thông minh, gan dạ nên giặc tìm mọi cách quyết nhổ “cái gai” trong mắt bọn chúng và kìm hãm phong trào cách mạng ở địa phương” - Mẹ VNAH Trần Thị Nương bồi hồi nhớ lại.


Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nương kể chuyện chồng con tham gia cách mạng

Từ ngày gia đình mẹ có người thân tham gia kháng chiến, bọn tình báo gián điệp thường tới lui rình rập, bắt bớ tra tấn, nhưng mẹ một mực không khai. Để chồng con an tâm làm nhiệm vụ, mẹ dẫn con nhỏ qua nhà người thân bên xã Phú Hựu sống tạm. Đêm chia tay, mẹ chỉ kịp ôm chồng và con động viên: “Mình và con ráng cố gắng làm tròn nhiệm vụ để quê hương đất nước được thanh bình, cho cha con chồng vợ sớm tối cận kề nhau”. Mẹ không ngờ đó là lần gặp con sau cùng. Mấy tháng sau, sắp đến Tết năm 1968, trong một bữa cơm chiều, tay mẹ bủn rủn làm rớt bể chén cơm khi nhận tin con trai Nguyễn Văn Tuấn hi sinh trong lúc cùng đồng đội đánh vào đồn bót địch. Cố đứng lên chạy tìm con, nhưng mắt mẹ tối sầm, chân loạng choạng, rồi ngã quỵ.

Vậy mà nỗi đau không dừng lại, chưa đầy 1 năm sau đến lượt chồng mẹ cũng hi sinh trên đường đi công tác. Tay run run nắm lấy góc khăn lau mấy giọt nước mắt ứa ra, Mẹ Nương nhớ lại: “Buổi tối hôm ấy nghe hướng nhà súng nổ rang trời, biết có chuyện chẳng lành nhưng mẹ không thể về vì đám lính kéo đến bao vây khắp xóm. Sáng hôm sau, đứa em gái hớt hải chạy đến nói ổng bị giặc phục kích bắn chết. Đau lòng nhất là mẹ không được gặp mặt chồng và con lần cuối. Chuyện chôn cất hai cha con ổng đều nhờ bà con chòm xóm hết”. Đau đớn tột cùng, nhưng mẹ gắng gượng vượt qua. Không sợ hi sinh, mẹ vừa làm lụng vất vả nuôi con, vừa làm giao liên phục vụ kháng chiến đến ngày đất nước giành độc lập.

Vui cùng nhịp sống quê hương

Hiện Lữ đoàn Công binh 25 nhận phụng dưỡng mẹ. Hôm tôi cùng cán bộ đơn vị đến thăm, đang nằm nghỉ ở nhà sau, biết có khách đến, mẹ lật đật kêu cháu dẫn ra nhà trước, rồi hối thúc con gái nấu cơm, pha nước mời bộ đội. Trung tá Nguyễn Viết Xuân - trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Lữ đoàn Công binh 25 nói, lần nào đến mẹ cũng kêu ở lại lâu lâu, như gặp lại những đứa con xa, mẹ luôn hỏi han công việc cơ quan, chuyện nhà cửa, con cái.

Tuổi cao sức yếu, chuyện hàng ngày lúc nhớ, lúc quên, nhưng niềm vui ngày quê hương giành độc lập vẫn vẹn nguyên trong tâm trí mẹ. Mẹ nói, đêm 30/4/1975 không sao ngủ được, nằm nghe có tiếng ai đó gọi nhau, tưởng chồng con về là vội vàng chạy ra mở cửa. Nhìn nhà nhà đoàn tụ, mẹ ôm di ảnh chồng con vào lòng nước mắt giàn giụa chảy. Bao niềm vui, nỗi buồn lẫn lộn, làm mẹ thơ thẩn một thời gian. Rồi mọi đau thương mất mát mẹ ôm trọn vào lòng, giấu vào tận ngõ sâu tâm thức để gượng dậy thay chồng nuôi con khôn lớn.

Mẹ thường dạy con cháu quí trọng cuộc sống thanh bình, cố gắng học hành, lao động sản xuất. Trong 4 người con còn lại của mẹ, hiện cuộc sống đều khá giả, ai cũng muốn được cận kề phụng dưỡng mẹ lúc tuổi xế chiều. Thế nhưng mẹ bảo thương con Tuyết (Nguyễn Thị Tuyết - con gái thứ tư trong gia đình, năm nay đã 63 tuổi), thời chiến tranh loạn lạc nên lỡ làng chuyện yêu thương. Vậy nên mẹ muốn ở cùng chị cho có mẹ, có con hủ hỉ lúc tuổi già. Người con trai út Nguyễn Thanh Tùng khoe: “Nhìn ruộng vườn tươi tốt, con cháu học hành ngoan ngoãn, tui rất vui. Hồi chiến tranh, đất đai quanh nhà loang lổ, cuộc sống cơ cực nên tui với mấy anh chị đâu có học hành được bao nhiêu. Nhớ sự hi sinh của cha anh, chị em tui hứa với nhau đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, chăm lo xây dựng gia đình đầm ấm hạnh phúc”.

Xã Tân Bình ngày trước bị bom đạn cày xới xác xơ, nay phát triển từng ngày, hiện xã đạt 13/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Nhìn đám trẻ trong xóm vui đùa, mẹ Nương nói: “Nhìn làng xóm yên vui mẹ rất mừng. Phải chi ổng và con biết được, chắc là vui lắm!”. Chị Mai Thị Phượng - Chủ tịch UBND xã Tân Bình tâm sự: “Tôi luôn lấy sự hi sinh của mẹ làm bài học, mục tiêu phấn đấu. Mấy năm trước, vào những dịp lễ, Tết, UBND xã đều rước mẹ đến dự và nói chuyện để cán bộ học tập. Năm nay thấy mẹ yếu hơn, đi lại khó khăn, mà buồn. Lòng tôi cứ mong mẹ luôn mạnh khỏe, vui sống cùng con cháu và bà con hàng xóm”.

Thanh Lạc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn