Lựa chọn vấn đề giám sát và phản biện phù hợp với thực tiễn đơn vị, địa phương

Cập nhật ngày: 04/05/2023 15:58:55

ĐTO - Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã có nhiều đổi mới, lựa chọn nội dung, phương thức, hình thức giám sát và phản biện xã hội chất lượng, từng bước phát huy hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn đặt ra. Đồng thời tích cực tham gia góp ý đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, nhất là những dự thảo có liên quan đến tổ chức bộ máy, quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhiều nội dung góp ý, phản biện, kiến nghị của MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội sau giám sát, phản biện xã hội đã được các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ, kịp thời. Qua đó, khẳng định vị thế, vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Đoàn công tác của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát tại huyện Lai Vung

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch giám sát thường xuyên đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn theo tinh thần Quy định số 214 ngày 2/2/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, giám sát các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng. Giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên; Quy định số 37 ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm. Qua giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo bằng văn bản hoặc phản ánh và kiến nghị trực tiếp với cấp ủy cùng cấp theo quy định.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành lập Đoàn giám sát trực tiếp đối với đơn vị UBND huyện Tháp Mười, UBND TP Cao Lãnh về việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân và giải quyết một số vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài. Qua giám sát, công tác tiếp công dân luôn được Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh và Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười thực hiện đúng quy định pháp luật. 2 địa phương đều thành lập Ban Tiếp công dân trực thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND do 1 Phó Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND phụ trách, chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý theo Luật Tiếp công dân năm 2013, nhất là bố trí 1 công chức thực hiện tiếp công dân thường xuyên, có phân loại và ghi sổ tiếp công dân theo quy định. Đồng thời việc thông báo kết quả tiếp công dân được thực hiện bằng văn bản trả lời đến công dân theo quy định. Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh và Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, ngoài tiếp dân theo định kỳ 2 lần/tháng còn thực hiện tiếp công dân đột xuất theo quy định. Ngoài ra, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tiếp công dân theo định kỳ hàng tuần và thực hiện tiếp công dân đột xuất theo quy định Điều 15 Luật Tiếp công dân năm 2013. 

Đồng chí Đoàn Thị Nghiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho biết, điểm mới trong việc lựa chọn nội dung, phương thức, hình thức giám sát được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện trong năm 2022 là giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri được UBND tỉnh trả lời. Điển hình như cử tri xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra việc Công ty cấp nước Chi nhánh Sa Đéc đặt ống lấy nước dưới dạ cầu Mương Điều, xã Tân Khánh Trung có được cấp phép hay chưa và đề nghị di dời ống lấy nước ra xa khu vực bán cá thuộc chợ Mương Điều... Vấn đề trên được UBND tỉnh trả lời, đồng thời, Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã giám sát trực tiếp. Theo đó, Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại nơi đặt ống lấy nước cầu Mương Điều, xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò), giám sát trực tiếp Công ty TNHH MTV Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp. Qua giám sát, trong quá trình khai thác vận hành Trạm cấp nước Mương Điều cũng như việc di dời ống lấy nước, Công ty TNHH MTV Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp luôn đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn quy định của Bộ Y tế để cung cấp nước sạch cho người dân sử dụng.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2026. Đồng thời nghiên cứu nâng cao chất lượng góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Từ năm 2022 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã góp ý hàng chục văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch theo đề nghị của các cơ quan có thẩm quyền soạn thảo, nhất là góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các văn bản góp ý của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ yếu liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; đến dân chủ, đồng thuận xã hội. Nhiều nội dung góp ý của MTTQ đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, qua đó, ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của MTTQ trong quá trình góp ý và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn