Lung linh ánh điện Trường Sa

Cập nhật ngày: 25/07/2014 04:53:13

Từ khi có điện, quần đảo Trường Sa đã đổi thay rõ nét. Ở các đảo hiện không còn phải dùng dầu diesel thắp sáng một cách dè sẻn như trước. Nguồn điện năng dồi dào từ việc tận dụng nắng gió sẵn có đã giúp cho quân và dân ở Trường Sa gần với đất liền hơn.


Hệ thống điện gió ở đảo Trường Sa Lớn

Đảo xa tỏa sáng

Xuất phát từ TP.Hồ Chí Minh, sau hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển, con tàu HQ 561 của Hải quân nhân dân Việt Nam đã đưa Đoàn công tác chúng tôi đến với đảo Trường Sa Lớn khi bình minh dần xuất hiện. Ấn tượng đầu tiên về Trường Sa Lớn là sự rực rỡ của các ánh đèn phát ra từ nguồn điện năng lượng gió và năng lượng mặt trời - một nguồn năng lượng vô tận mà thiên nhiên đã ban tặng cho Trường Sa. Từ nguồn năng lượng này, cuộc sống và sinh hoạt của bộ đội và nhân dân trên đảo cải thiện đáng kể.

Có được nguồn điện như thế là kết quả thực hiện Dự án trọng điểm quốc gia năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 từ nguồn vốn tài trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, do Bộ Tư lệnh Hải quân làm chủ đầu tư và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) cung cấp, chuyển giao thiết bị, công nghệ cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên các đảo vận hành.

Tính đến đầu tháng 5/2014, hơn 6.000 tấm pin năng lượng mặt trời, hơn 100 động cơ gió, 1.000 bộ đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời chiếu sáng được lắp đặt ở 48 đảo của quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với nguồn điện cung cấp khá ổn định có thể sử dụng xuyên suốt 24/24. Nhờ có điện, Trường Sa hôm nay đã được “kéo” gần với đất liền hơn. Nếu trước kia các thiết bị điện như: tủ lạnh, ti vi, nồi cơm điện, quạt máy,... ở Trường Sa là thứ quá “xa xỉ”, thì nay những thiết bị này đã được bộ đội và nhân dân trên các đảo sử dụng như trong đất liền.

Đổi thay từ nguồn điện sạch

Từ khi có được nguồn điện từ hệ thống năng lượng sạch, các đảo ở quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đã đổi thay nhiều. Thượng úy Đặng Chí Công - quê ở Nam Định, công tác ở đảo An Bang, huyện đảo Trường Sa cho biết, so với lần đầu tiên anh ra công tác ở quần đảo Trường Sa vào năm 1997, Trường Sa hôm nay chuyển mình rõ rệt. Hiện ở các đảo nổi, đảo chìm trong toàn quần đảo không còn cảnh phải dùng dầu diesel để thắp sáng hoặc chạy máy phát điện một cách dè sẻn và bị động do phải vận chuyển dầu từ đất liền ra như trước.


Nhờ có điện quân và dân ở quần đảo Trường Sa thường tổ chức
văn nghệ giao lưu với người dân đất liền

Thượng úy Đặng Chí Công nói: “Lúc đầu ra Trường Sa công tác, đảo còn rất hoang sơ. Từ năm 2009 trở về trước, CBCS phải sử dụng dầu chạy máy phát điện thắp sáng từ 6 giờ 30 tối đến 9 giờ 30 tối là ngưng, nên điều kiện sinh hoạt văn hóa, tinh thần của quân và dân trên đảo còn hạn chế. Từ năm 2010 đến nay có điện năng lượng mặt trời, điện gió nên đời sống của bộ đội và nhân dân Trường Sa đã phát triển”.

Ở đảo Trường Sa Đông, từ khi có điện, diện mạo của đảo chuyển biến rõ rệt. Điện giúp cho CBCS trên đảo cải thiện điều kiện sinh hoạt, phục vụ tốt cho việc tăng gia sản xuất và sẵn sàng chiến đấu. Trung tá Nguyễn Ngọc Vinh - Chính trị viên đảo Trường Sa Đông phấn khởi nói: “Hệ thống năng lượng sạch được đầu tư đã phát huy ưu điểm và mang lại đời sống tốt cho CBCS trên đảo. Cụ thể, năng lượng điện ở đảo đảm bảo phục vụ tốt cho sinh hoạt hằng ngày; ti vi, điện thoại và các trang thiết bị phục vụ cho đời sống vật chất, tinh thần khác đều hoạt động tốt”.

Tại đảo Trường Sa Lớn, đời sống văn hóa, tinh thần của quân và dân trên đảo được đảm bảo khá tốt nhờ có điện. Hiện 100% hộ dân và các đầu mối đơn vị bộ đội trên đảo được trang bị tivi, hệ thống thu tín hiệu vệ tinh, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại cũng được trang bị đến các phân đội chiến đấu trên đảo. Nhờ có điện, đảo thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, các hoạt động vui chơi cho quân và dân trên đảo để mọi người thắt chặt tinh thần đoàn kết, quyết tâm chung sức giữ đảo.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn