Mãi ghi ơn những chiến sĩ trung kiên, anh dũng
Cập nhật ngày: 04/12/2017 15:21:45
ĐTO - Với tinh thần yêu nước, thà quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Tiểu đoàn 502 của tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã chiến đấu và giành thắng lợi vang dội trên sông Rạch Ruộng (ngày 4/12/1967) tại xã Thanh Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang (nay thuộc ấp 3, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè). Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước ta luôn ghi nhớ công ơn và có nhiều hoạt động tri ân những người làm nên chiến thắng ấy.
Đoàn công tác tỉnh Đồng Tháp thăm, tặng quà cho người tham gia trận đánh tàu Mỹ. Ảnh: N.AN
Trận chiến gian khổ mà anh dũng
Đã 50 năm trôi qua nhưng ông Nguyễn Thái Dũng - nguyên Tiểu đội trưởng trinh sát của Đại đội 1, Tiểu đoàn 502 vẫn còn nhớ như in trận đánh tàu Mỹ năm xưa. Ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về những ký ức khó quên trong trận đánh. Ông nói: “Lúc ấy, lực lượng và vũ khí của ta thua xa địch. Tàu Mỹ vào sông Rạch Ruộng khoảng trên 70 chiếc (gồm tàu chiến và tàu chở quân) với hàng trăm lính Mỹ được trang bị vũ khí tối tân. Đoàn tàu của chúng còn có pháo binh và không quân yểm trợ. Còn lực lượng ta ít hơn nhiều, có vài khẩu DK75, cối 82 ly, B40, B41... Có thể nói, đây là cuộc chiến không cân sức”. Song, bằng tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường, mưu trí, Tiểu đoàn 502 đã đánh chìm hàng chục tàu Mỹ, diệt và làm bị thương nhiều tên địch, mang về chiến công cho đơn vị.
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, trận thắng trên sông Rạch Ruộng là biểu tượng của lòng dũng cảm, chiến đấu ngoan cường của Tiểu đoàn 502 anh hùng. Bên cạnh đó phải kể đến sự chiến đấu anh dũng của CB,CS các cơ quan Tỉnh đội và sự hy sinh của anh em cơ quan báo chí, văn nghệ tỉnh Kiến Phong, góp phần làm cho trận thắng mang tính chất anh hùng và bi tráng. Anh hùng là do với một Tiểu đoàn địa phương của tỉnh mà chúng ta đối đầu và đánh thắng một lực lượng quân sự hùng hậu, trang bị vũ khí hiện đại, góp phần trực tiếp và quyết định làm phá sản chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” lừng danh của quân đội Hoa Kỳ. Bi tráng vì ở trận thắng này, ngoài sự hy sinh một bộ phận nhỏ của Tiểu đoàn 502, tỉnh ta phải mất đi nhiều người con ưu tú ở các đơn vị khác.
Dù lực lượng ta chặn đánh nhưng do số lượng quá nhiều nên vẫn có một số tàu Mỹ vượt qua vòng vây, lọt vào sâu bên trong (hướng về xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười) khoảng 3-4km, đụng độ với cơ quan tham mưu Tỉnh đội, Ban Cơ yếu Tỉnh đội Kiến Phong, Trường Quân chính, Ban Tuyên huấn tỉnh... Ở đó, chỉ có vài khẩu B40 dùng để huấn luyện, một số khẩu súng trường, súng cá nhân. Vậy mà các chú, các bác chiến đấu, đánh nhau ác liệt với kẻ thù, gây cho địch nhiều trở ngại. Do lực lượng và vũ khí của ta ít hơn địch nên nhiều CB,CS hy sinh tại đây.
Góp mặt trong trận đánh tàu ở Rạch Ruộng còn có ông Nguyễn Văn Đực (tên thường gọi Hoàng Đấu) - nguyên Trung đội phó Trung đội đặc công tỉnh Kiến Phong. Thời gian có thể xóa nhòa tất cả nhưng hình ảnh về trận đánh tàu vẫn luôn hiện hữu trong ông. “Đồng chí Sơn Hải đang bắn khẩu B40 thì hy sinh. Tôi được lãnh đạo phân công thay thế vị trí đồng chí Hải. Khi ấy, khẩu B40 chỉ còn 2 trái đạn. Bằng chiến thuật “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, tôi bắn 1 trái đạn vào tàu Mỹ, khói lên nghi ngút. Trái còn lại giúp tiêu diệt một số tên địch để tôi và đồng đội thoát khỏi vòng vây của lính Mỹ” - ông Đấu xúc động nhớ lại. Trong trận đánh tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng, xuất hiện nhiều tấm gương sáng về tinh thần quả cảm, chiến đấu quên mình. Ông Đấu cho rằng, một trong số đó phải nhắc đến là anh hùng liệt sĩ Nguyễn Minh Trí, người con của xã An Bình, huyện Cao Lãnh. Ông Trí kiên cường bắn liên tục 9 trái đạn B41, làm chìm 7 chiếc tàu Mỹ và anh dũng hy sinh khi mới 22 tuổi.
Tuy trận đánh chỉ diễn ra trong 1 ngày nhưng sức tàn phá của nó thật khủng khiếp. Các vườn cây nối nhau từ rạch Đất Làng tới rạch Ông Bích bị bom, pháo và các loại đạn của Mỹ làm tả tơi. Những cây dừa bứt ngọn, trơ gốc, tưa tải. Bác Võ Văn Tôi (86 tuổi) ngụ ấp 3, xã Tân Hưng cho biết: Tôi là dân cố cựu ở đất Rạch Ruộng này. Sáng sớm ngày 4/12/1967, đoán tình hình sẽ ác liệt nên tôi và vợ con xuống xuồng đi tản cư. Mấy ngày sau, chúng tôi quay về thì nhà cửa tan hoang. Căn nhà lá của tôi và hàng xóm đều bị đốt sạch, bàn ghế, đồ đạc trong nhà cháy hết. Dù có như thế nào, tôi vẫn quyết bám trụ nên dựng lại căn chòi nhỏ tiếp tục sinh sống”. Còn gia đình Bác Trần Văn Thanh (SN 1950) ở ấp 3 cũng không còn chỗ ở sau mấy ngày chạy tản cư vì căn nhà đã bị thiêu rụi. “Nhà tôi cháy sạch sành sanh. Tôi phải dùng tạm miếng ván ngựa làm nơi thờ cúng tổ tiên” - bác Thanh cho hay.
“Ăn quả nhớ người trồng cây”
Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Đa số những đồng chí từng đóng góp công sức trong trận đánh tàu năm xưa đều được hưởng các chế độ theo quy định; có một số hộ được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. Các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình.
Chiến sĩ Tiểu đoàn 502 gia cố đoạn đường sạt lở ở ấp 3, xã Tân Hưng
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng trên sông Rạch Ruộng (4/12/1967 - 4/12/2017), gần đây, Đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp gồm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và chính quyền các địa phương tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà những CB,CS từng tham gia trận đánh và gia đình các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh này. Ông Nguyễn Trọng Thủy - nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kiến Phong phấn khởi nói: “Đoàn của tỉnh đến thăm hỏi sức khỏe, động viên tinh thần, tôi rất vui. Tôi mong thế hệ trẻ sẽ tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông ngày trước”. Đoàn còn đến thăm gia đình liệt sĩ Huỳnh Văn Niêm - người từng tham gia trận Rạch Ruộng. Bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ liệt sĩ Niêm) bày tỏ niềm vui và cảm thấy ấm lòng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với gia đình mình.
Những ngày qua, 100 CB,CS của Tiểu đoàn 502 (Trung đoàn Bộ binh 320) hành quân về giúp nhân dân nơi chiến trường xưa - ấp 3, xã Tân Hưng. Binh nhất Đỗ Công Danh - chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 4, Tiểu đoàn 502 chia sẻ: “Hành quân lao động giúp dân là việc làm rất ý nghĩa, thắt chặt thêm tình quân - dân. Em muốn góp phần nhỏ công sức để giúp đỡ bà con địa phương”. Theo Đại úy Trương Minh Thiện - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 502, từ ngày 26/11 - 4/12/2017, chiến sĩ đơn vị đắp taluy đường, phát quang cây cối, dọn cỏ từ rạch Ông Bích đến rạch Trâu Lội (dài 1.500m); đóng cừ tràm, làm bờ kè chắn sóng bằng lục bình cặp sông Cái Lân với chiều dài 2.000m; tham gia cắm cờ phướn từ ngã ba An Thái Trung đến UBND xã Tân Hưng; lót sân đan khu vực Bia chiến thắng tàu Mỹ; gia cố một số đoạn đường giao thông bị sạt lở... Đồng chí Trần Văn Tuấn - Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 3 cho biết: “Được tin anh em Tiểu đoàn 502 hành quân về ấp 3, chúng tôi rất mừng. Các chiến sĩ lao động nhiệt tình, giúp diện mạo của ấp thêm khang trang”.
Nhằm lưu giữ những thông tin liên quan trận đánh tàu trên sông Rạch Ruộng, làm tư liệu quý giá cho thế hệ sau, năm 2007, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp xuất bản quyển sách “Bẻ gãy một ý đồ” và năm nay được tái bản lần thứ nhất. Năm 2007, Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng trên sông Rạch Ruộng đã được tổ chức; Tỉnh ủy Đồng Tháp còn tổ chức cuộc hội thảo đầu tiên về trận thắng tàu Mỹ trên sông Rạch Ruộng.
Năm tháng trôi đi nhưng chiến thắng trên sông Rạch Ruộng ngày 4/12/1967 của Tiểu đoàn 502 vẫn sống mãi trong lòng nhiều người. Ở đó, có những chiến sĩ chiến đấu quả cảm và vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đất mẹ khi tuổi mới đôi mươi, góp phần giành độc lập cho Tổ quốc. Thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ và tri ân công ơn của những người CB,CS trung hiếu, anh dũng làm nên thắng lợi Rạch Ruộng.
HÒA HIỆP