Mô hình cánh đồng liên kết - Hướng đi mới đầy triển vọng
Cập nhật ngày: 22/06/2015 12:40:50
Mô hình cánh đồng liên kết ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông đã kết nối chặt chẽ giữa nông dân sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, từ đó không những ổn định về đầu ra của nông sản mà còn nâng cao thu nhập của người dân địa phương. Đặc biệt là việc thành lập tổ chức Đảng tại mô hình cánh đồng liên kết nói trên.

Thu hoạch lúa bằng cơ giới ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch
Sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản
Đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Phú Đức, huyện Tam Nông khoảng 3.100ha, nhiều diện tích sản xuất 3 vụ ăn chắc trong năm, năng suất bình quân từ 6,5 - 7 tấn/ha/vụ và cây lúa được xác định là thế mạnh chủ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương. Nhằm tránh điệp khúc “được mùa, rớt giá”, thậm chí bị thương lái ép giá, cấp ủy, chính quyền có chủ trương vận động nông dân sản xuất theo hướng liên kết gắn với việc tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình cánh đồng liên kết từng bước được hình thành. Vụ hè thu năm 2012, hàng trăm héc ta trồng lúa của xã viên thuộc 2 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tân Tiến và HTX nông nghiệp Phú Bình được triển khai sản xuất theo mô hình cánh đồng liên kết với sự bao tiêu của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn - Xuất nhập khẩu -Thương mại (TNHH XNK TM) Võ Thị Thu Hà. Theo đó, nông dân được hỗ trợ kỹ thuật, giống và bao tiêu toàn bộ nông sản với giá từ bằng giá thị trường trở lên, do đó người dân tăng được lợi nhuận khoảng 30% so với sản xuất lúa ngoài cánh đồng liên kết.
Anh Võ Trường Chinh - xã viên HTX nông nghiệp Phú Bình cho biết, làm lúa bây giờ khỏe hơn nhiều so với trước đây vì có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà, nay là Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Lộc Anh (thuộc nhóm thành viên với Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà) nên không lo chuyện đầu ra của lúa, tránh được tình trạng “trúng mùa mất giá” như trước đây. Anh Chinh mong tiếp tục duy trì việc ký kết bao tiêu lúa, tiến tới liên kết đầu vào với các doanh nghiệp trong việc cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Tiến Võ Văn Đào, HTX liên kết Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Lộc Anh bao tiêu toàn bộ diện tích của HTX (tương đương 633ha), góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, tăng lợi nhuận cho thành viên HTX, tránh được trường hợp thương lái ép giá.
Ý Đảng lòng dân
Từ cuối tháng 3/2014, Đảng ủy xã Phú Đức tổ chức lễ công bố chính thức thành lập tổ chức đảng và đoàn thể trong cánh đồng liên kết tại ô bao 24 gồm hai HTX nông nghiệp Tân Tiến và Phú Bình với tên gọi là Chi bộ Bình Tiến và Chi hội Nông dân Bình Tiến. Đến nay đã thành lập được Chi hội Phụ nữ và Chi đoàn Thanh niên.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Đức Nguyễn Hữu Dư, một trong những kết quả nổi bật của chi bộ và các đoàn thể từ khi thành lập đến nay là công tác vận động, tuyên truyền về chủ trương, kế hoạch của địa phương, nhất là chủ trương về thực hiện cánh đồng liên kết mà tỉnh Đồng Tháp chọn xã Phú Đức làm điểm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Đặc biệt, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, tổ chức sắp xếp lại tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, làm thay đổi ý thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của nông dân sang hướng sản xuất tập trung, hiện đại, gắn kết sản xuất với tiêu thụ hàng hóa, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa nông dân và doanh nghiệp.
Điểm đáng ghi nhận của tổ chức đảng trong cánh đồng liên kết ở xã Phú Đức là mỗi đảng viên đã thể hiện được sự gương mẫu, đi đầu trong hoạt động sản xuất, là lực lượng nòng cốt, trực tiếp thực hiện đưa chủ trương của Đảng đến với nông dân. Đồng thời đây cũng là nơi tiếp thu ý kiến đóng góp người dân, trao đổi trong chi bộ và lãnh đạo HTX để tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng sản xuất, tăng thu nhập cho các thành viên và nông dân.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã nói: “Trong việc sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hiện nay, nông dân phải giải được bài toán “Trồng giống gì, bán ở đâu, bán cho ai...”; còn doanh nghiệp cũng phải giải được bài toán “Mua lúa gì, mua ở đâu, mua của ai...”. Và mô hình thành lập chi bộ Đảng trong cánh đồng liên kết ở xã Phú Đức cũng nhằm giải quyết bài toán này bằng cách làm cụ thể, hiệu quả, chứ không nói chung chung, hô hào khẩu hiệu... Đây là sự đột phá rất đáng được kỳ vọng”.
|
D.Chinh-N.An