Mô hình đột phá góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của đơn vị
Cập nhật ngày: 13/03/2013 05:54:36
Năm 2012, toàn huyện Lấp Vò có 56/58 chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy đăng ký thực hiện mô hình đột phá trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, cải cách hành chính, xây dựng Đảng.
Sản xuất hoa màu có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập của người dân
Qua khảo sát của cấp ủy huyện cho thấy, các chi, đảng bộ đã năng động, sáng tạo quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của cấp mình.
Đảng ủy xã Hội An Đông với mô hình “Xây dựng vùng màu chất lượng cao và vận động hình thành tổ chức kinh tế tập thể trong vùng màu” đã mang lại hiệu quả kinh tế cao: giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận từ trồng màu cao hơn trồng lúa 3-5 lần, lợi nhuận tối thiểu là 100 triệu đồng/ha/vụ; đặc biệt có loại màu đạt năng suất cao, trúng giá thì lợi nhuận đạt từ 400-500 triệu đồng/ha/vụ.
Song song đó, các phế phẩm từ cây màu và cỏ trong khu vực trồng màu được tận dụng để chăn nuôi bò. Xã thành lập câu lạc bộ nuôi bò gồm 74 thành viên, 1 tổ hùn vốn có 17 thành viên duy trì đàn bò khoảng 1.000 con góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Qua mô hình, địa phương đã thành lập được 2 tổ hợp tác sản xuất màu, 1 tổ thu mua hàng nông sản, 2 câu lạc bộ sản xuất màu, 1 câu lạc bộ khuyến nông màu.
Chi bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện mô hình “Tham mưu Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/HU của Huyện ủy (khóa X) về thực hiện Đề án vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hiện đại giai đoạn 2010-2015”.
Qua 2 năm triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả kinh tế-xã hội, thu hút mạnh mẽ nông dân trên địa bàn tham gia. Năm đầu tiên chỉ có 59 hộ tham gia với tổng diện tích gần 50ha. Đến nay có 162 hộ tham gia sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hiện đại với tổng diện tích 221ha.
Tổ chức vùng sản xuất lúa chất lượng cao ngoài việc tăng lợi nhuận do ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại, nhiều khâu trong sản xuất ổn định nên người dân có quỹ thời gian thực hiện công việc khác của gia đình; đồng thời giải quyết được vấn đề thiếu công nhân khi vào thu hoạch chính vụ, là điều kiện giảm dân lao động trong nông nghiệp để chuyển sang các ngành phi nông nghiệp.
Chi bộ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện với mô hình “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” đảm bảo mỗi chi hội giúp một hội viên thoát nghèo. Chỉ riêng trong năm 2012, các chi hội trên địa bàn huyện tiến hành khảo sát thực tế về điều kiện, nhu cầu của từng hộ nghèo do nữ làm chủ hộ để vận động giúp đỡ thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế hộ, kết quả đã có 64/66 hộ thoát được nghèo.
Nhìn chung, các mô hình của chi, đảng bộ triển khai thực hiện có tính sáng kiến hay, cách làm mới. Đó là những mô hình tạo lợi thế riêng hoặc là những khâu, lĩnh vực hạn chế của đơn vị mình để khắc phục tốt hơn. Trong quá trình triển khai thực hiện, vai trò của cấp ủy, nhất là đồng chí bí thư luôn được thể hiện một cách tích cực, cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra, được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt tác động tích cực vào việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương và đơn vị.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ X, nhiệm kỳ 2010-2015.
Dũng Chinh