Mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp với 2 tỉnh Salavan và Champasak - Lào
Cập nhật ngày: 02/05/2024 10:13:34
ĐTO - Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp vừa có chuyến công tác tại Lào, diễn ra thành công tốt đẹp. Phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp có cuộc trao đổi với ông Trần Trí Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp về việc tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác giữa Đồng Tháp với 2 tỉnh Salavan và Champasak nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong thời gian tới.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang (bên trái) tặng quà cho đại diện lãnh đạo tỉnh Champasak (Lào)
PV: Xin ông giới thiệu sơ lược về đặc điểm, truyền thống, lợi thế của Đồng Tháp trong giao lưu hợp tác với Lào?
Ông Trần Trí Quang: Việt Nam và Lào có quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện trên tất cả lĩnh vực từ lâu đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng, các nhà lãnh đạo, các chiến sĩ cách mạng dày công vun đắp và cùng nhau xây dựng theo thời gian.
Trên cơ sở mối quan hệ gắn bó hết sức tốt đẹp giữa 2 nước, tỉnh Đồng Tháp thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh bạn Salavan, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào năm 2013, sau chuyến thăm và làm việc của đồng chí Lê Vĩnh Tân - Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Đây là tiền đề để Đồng Tháp thường niên tổ chức các Đoàn lãnh đạo tỉnh sang thăm, làm việc, chia sẻ kinh nghiệm và chúc Tết cổ truyền Bunpimay, Lào.
Đến ngày 27/9/2017, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Champasak ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trên một số lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh như: hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp, hoa kiểng..., nhất là hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ và sinh viên Lào tại các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đồng Tháp đã ký kết bản ghi nhớ với 2 tỉnh Salavan và Champasak; quan hệ thăm hỏi, trao đổi đoàn và hỗ trợ lẫn nhau với chính quyền tỉnh Hủa Phăn và thủ đô Viêng Chăn.
Lợi thế của tỉnh Đồng Tháp là có sự tương đồng về kinh tế - xã hội với các tỉnh bạn Lào, lấy kinh tế nông nghiệp làm chủ đạo, trong đó, các thế mạnh về cây ăn trái, hoa kiểng và nuôi trồng thủy sản... là những điểm nổi bật của tỉnh Đồng Tháp mà các tỉnh bạn Lào rất quý và mong muốn trao đổi, chia sẻ. Cụ thể, vào tháng 3/2024, huyện Munlapamok tỉnh Champasak đã cử Đoàn công tác do đồng chí Bí thư, Huyện trưởng Vannasak Xattakoun dẫn Đoàn sang thăm, tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Qua các buổi làm việc, Đoàn công tác huyện Munlapamok mong muốn được kết nghĩa với một địa phương của tỉnh Đồng Tháp và có các Đoàn chuyên gia tỉnh Đồng Tháp sang thăm Champasak nhằm chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn canh tác một số mô hình nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh như: canh tác xoài, hoa kiểng...
PV: Các hoạt động hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Đồng Tháp với tỉnh Salavan và Champasak (Lào) trong thời gian gần đây đạt nhiều kết quả quan trọng. Ông vui lòng giới thiệu một số điểm nổi bật về hiệu quả của những hoạt động này?
Ông Trần Trí Quang: Đại hội XIII của Đảng đề ra chủ trương “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân” - đây được xem là “kim chỉ nam” xuyên suốt trong công tác đối ngoại của từng địa phương.
Thứ nhất, về đối ngoại Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cùng kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa, lấy dân là gốc. Do đó, trong công tác đối ngoại Đảng, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo các tỉnh bạn Lào luôn có được tiếng nói chung, dễ dàng bàn bạc, đi sâu vào các vấn đề trọng tâm như: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm ổn định chính trị vững chắc”. Ngoài ra, lãnh đạo Đảng 2 tỉnh thường xuyên trao đổi thư, điện tín chúc mừng nhân dịp các sự kiện lớn, ngày lễ, ngày Tết của 2 dân tộc, và gần đây nhất là chuyến công tác của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng cùng Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp sang thăm, làm việc và đối thoại với lãnh đạo tỉnh Champasak trên lĩnh vực đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhân dân. Qua đó, càng củng cố và thắt chặt quan hệ giữa 2 Đảng.
Thứ hai, về ngoại giao Nhà nước, cụ thể hóa các đường lối đối ngoại của Đảng, dựa trên các biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Đồng Tháp với 2 tỉnh Salavan và Champasak, Lào. Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức Đoàn sang thăm, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận hợp tác trên nhiều lĩnh vực với chính quyền các tỉnh bạn Lào. Điểm nổi bật là hợp tác trên lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Tính từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cấp học bổng cho 97 lưu học sinh các tỉnh: Champasak, Salavan và Hủa Phăn theo học tại Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp và Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp. Ngoài ra, tỉnh thường xuyên tạo điều kiện cho các Đoàn công tác của các sở, ngành tỉnh 2 bên qua lại, trao đổi chuyên môn, học tập kinh nghiệm, xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư.
Thứ ba, về đối ngoại Nhân dân, trong khuôn khổ các chuyến thăm và làm việc của tỉnh hằng năm, luôn có Đoàn công tác đối ngoại nhân dân do lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh và Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh sang thăm, trao đổi, thực hiện hoạt động đối ngoại Nhân dân, tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết về văn hóa và con người. Điều này góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Đồng Tháp với các tỉnh nước bạn Lào.
Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp đến thăm và chụp ảnh lưu niệm tại Di tích cổ chùa Wat Kang (tỉnh Salavan, Lào)
PV: Thời gian tới, tỉnh định hướng hợp tác và triển khai các giải pháp gì để cùng nhau phát triển, đồng thời củng cố, vun đắp, thắt chặt hơn tình đoàn kết, hữu nghị giữa Đồng Tháp và các tỉnh nước bạn Lào, thưa ông?
Ông Trần Trí Quang: Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án đối ngoại giữa tỉnh Đồng Tháp với các tỉnh thuộc Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào giai đoạn 2021 - 2025, tập trung vào quan hệ hợp tác với 2 địa phương mà tỉnh đã ký kết Bản ghi nhớ là Salavan và Champasak.
Nhằm cụ thể hóa các nội dung biên bản ghi nhớ với chính quyền các tỉnh bạn Lào, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tập trung hỗ trợ nước bạn đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực y tế. Đây vốn là thế mạnh của tỉnh, qua đó đào tạo nên thế hệ có trình độ chuyên môn sâu, hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa con người Đồng Tháp, góp phần làm cầu nối để mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt giữa tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh bạn Lào được phát huy mạnh mẽ nhất.
Về lâu dài, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị và địa phương phù hợp, có khả năng kết nghĩa và hỗ trợ bạn cùng cấp tại Champasak và Salavan thực hiện một số mô hình chuyển giao khoa học, kỹ thuật về nông nghiệp, công nghiệp nhẹ... Qua đó, tạo dựng nên các mô hình hợp tác hiệu quả, bền vững, thể hiện trọn vẹn hình ảnh con người Đồng Tháp “Nghĩa tình, năng động, sáng tạo” trong lòng các đồng chí, anh em Lào, góp phần vun đắp mối quan hệ giữa 2 nước Việt Nam và Lào mãi mãi xanh tươi và đời đời bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nam Phong (thực hiện)