Một số điểm mới cơ bản trong Hiến pháp

Cập nhật ngày: 09/04/2014 05:32:05

Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp mới, thay thế cho Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp có rất nhiều điểm mới, nên trong phạm vi bài viết này chỉ giới thiệu những điểm mới cơ bản và đặc biệt, thể hiện những quan điểm mới của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới. Đây được đánh giá là bản Hiến pháp của thời kỳ hội nhập, thời kỳ đổi mới, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta.

Hiến pháp có nhiều điểm mới về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Với 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), Hiến pháp có bố cục gọn và kỹ thuật lập hiến chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.

Trước hết, về chế độ chính trị, Hiến pháp khẳng định Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân (chữ Nhân dân được viết hoa). Đồng thời, Hiến pháp tuy vẫn khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, nhưng lần đầu tiên có quy định thêm việc kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây được xem là một điểm mới cực kỳ quan trọng trong việc tổ chức quyền lực Nhà nước, tránh những nhánh quyền lực vượt quá quyền hạn, không thể kiểm soát. Hiến pháp vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng bổ sung một quy định rất quan trọng đó là “Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Khác với Hiến pháp trước, từ nay Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Hiến pháp nêu quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định ngay sau chương chế độ chính trị. Điều này thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước đề cao con người trong xã hội.

Về chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, môi trường, Việc sắp xếp như trên (Hiến pháp 1992 quy định ở nhiều chương khác nhau) thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước: phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Hiến pháp đã sửa đổi và bổ sung các chế định về hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, các loại hình kinh tế, tôn trọng đa dạng hình thức sở hữu, bảo hộ sở hữu tư nhân, các quyền tài sản và sở hữu trí tuệ; quyền kinh tế được xác lập và thực hiện cùng với quyền của mọi công dân (quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tư nhân...).

Về tổ chức bộ máy Nhà nước, Hiến pháp tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam nhưng đã không xác định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Đồng thời, trong việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chính sách quốc gia, Quốc hội chỉ quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội; quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ.

ĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn