Năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có 22 chỉ tiêu chủ yếu

Cập nhật ngày: 22/12/2022 13:44:08

ĐTO - Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X đã ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp năm 2023.

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, giữ vững địa bàn an toàn để người dân, doanh nghiệp an tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh; đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế phục hồi và phát triển; thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến thực chất, rõ nét mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Cùng với đó, chú trọng các vấn đề phát triển vùng và chủ động liên kết vùng, tiểu vùng. Phát huy tối đa mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội tại cho đầu tư phát triển trên nền tảng tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu công nghiệp, chuyển đổi số, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho Nhân dân; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là khu vực biên giới.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 có 22 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 6 chỉ tiêu về kinh tế, 12 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường. Cụ thể, chỉ tiêu về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP tăng 7,5%; GRDP/người đạt 68,83 triệu đồng theo giá thực tế; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 7.590 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1.535 triệu USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 39,5%.

Về văn hóa - xã hội, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội đạt 44,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,4%; giảm 0,4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng theo chiều cao giảm còn 15,4%; có 29,3 giường bệnh (giường bệnh công lập là 26,4 giường) và 9,9 bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ dân cư tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; có 113 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 7 hợp tác xã thành lập mới).

Về môi trường, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch ở thành thị đạt 99,6%, ở nông thôn đạt 94%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý đạt 88%; tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 95%...

Nghị quyết đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, thực hiện đồng bộ Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phát triển ổn định khu vực nông - lâm - thủy sản, tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương; tăng tốc thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và phát huy công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao điểm số các chỉ số quan trọng (PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS), đảm bảo duy trì vị trí thuộc nhóm “rất tốt” trên bảng xếp hạng cả nước; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; chăm lo và hỗ trợ người dân ổn định việc làm và an tâm sinh sống. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và toàn diện, cải thiện mức sống của người dân, nhất là đối với vùng nông thôn, biên giới...

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn