Nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư

Cập nhật ngày: 28/07/2022 10:26:07

Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19, nhưng các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo đổi mới công tác dân vận, trọng tâm là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua nhiều mô hình mới, cách làm hay, sát thực tiễn đời sống người dân. Từ đó, phát huy được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin trong Nhân dân theo đúng tinh thần Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về “Tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận đến năm 2025”.


Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các “Tổ Nhân dân tự quản” tiêu biểu trên địa bàn tỉnh năm 2022

Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đặc biệt quan tâm củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình “Tổ Nhân dân tự quản”. Hầu hết, các “Tổ Nhân dân tự quản” phát huy được vai trò quản lý tại cộng đồng dân cư, từng thành viên có tinh thần tự nguyện, tích cực tham gia vào các hoạt động của Tổ theo quy ước đã đề ra. Ông Trần Văn The - Tổ trưởng Tổ Nhân dân tự quản số 05, ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh cho biết: “Tổ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước cũng như các phong trào do cấp trên hoặc địa phương phát động. Thông qua tuyên truyền, các thành viên trong Tổ nói riêng, nhiều người dân ấp Bình Hòa nói chung tích cực hưởng ứng, đóng góp tài lực, vật lực, nhân lực vào các công trình, phần việc thiết thực”.

Ông Trần Văn The bộc bạch thêm, trong đợt bùng phát dịch Covid-19, Tổ tham gia với Ban Nhân dân ấp Bình Hòa vận động người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ hàng trăm phần quà cho các gia đình gặp khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tham gia giữ vững “vùng xanh” phòng, chống dịch bệnh. Kết quả có được trong thời gian qua là nhờ nhận thức của người dân được nâng lên về tính đoàn kết trong cộng đồng dân cư, cùng nhau tự chủ, tự quản từ các việc của mỗi gia đình đến những việc chung của cộng đồng xóm, ấp. Chính từ những hành động này đã góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm, góp phần chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với phương châm hoạt động “Lấy sức dân, lo cho dân”, từ tình hình thực tế của từng địa bàn dân cư, nhiều địa phương có cách làm hay, hiệu quả trong việc thực hiện các mô hình đã làm thay đổi cách nghĩ, thói quen sinh hoạt, phát huy vai trò làm chủ, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, phát huy vai trò tự chủ, tự quản về bảo vệ an ninh trật tự với phương châm “Tự quản, tự phòng, tự hòa giải”. Qua xếp loại cuối năm 2021, toàn tỉnh có 12.447 Tổ với 450.499 hộ, kết quả bình xét có 5.784 Tổ hoạt động vững mạnh (chiếm 46,5%); 5.105 Tổ hoạt động khá (chiếm 41%); 1.393 Tổ hoạt động trung bình (chiếm 11,2%); 165 Tổ hoạt động yếu (chiếm 1,3%).

Hưởng ứng hoạt động của mô hình “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng”, hàng tuần, hàng trăm lượt cán bộ, đảng viên, người dân cư trú ở địa phương tham gia các hoạt động tập trung như: phát quang bụi rậm, chặt mé cây che khuất tầm nhìn trên các tuyến đường với tổng chiều dài trên 1.084km; xây dựng 28 tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu; sửa chữa cầu nông thôn... với tổng số tiền lên đến nhiều tỷ đồng, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Ngoài ra, thông qua mô hình “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng”, cán bộ, đảng viên, người dân còn tích cực đóng góp, đề xuất, kiến nghị đối với một số nội dung liên quan đến chủ trương của Đảng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, tình hình trật tự xã hội trên địa bàn. Việc tham gia “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng” cũng là cơ sở để cấp ủy địa phương nhận xét, đánh giá đảng viên tham gia sinh hoạt nơi cư trú theo Quy định số 213 của Bộ Chính trị quy định trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và Nhân dân nơi cư trú.

Đồng chí Lê Thành Công - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhận định: “Các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư được quan tâm duy trì tốt, nổi bật là các mô hình “Tổ Nhân dân tự quản”, “Hội quán”, “Ngày đại đoàn kết vì cộng đồng”... từng bước đã thay đổi cách nghĩ, thói quen sinh hoạt của người dân, hướng đến phát huy tinh thần “Tự quản, tự phòng, tự hòa giải”, cùng bàn bạc, liên kết, tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng đời sống văn hóa tại địa bàn dân cư. Hay mô hình phấn đấu trở thành “Người nông dân chuyên nghiệp” bước đầu đã tạo sự đồng thuận trong Nhân dân về nội dung và lợi ích của mô hình, từng bước chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh”.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn