Ngày giỗ chồng và con của Mẹ
Cập nhật ngày: 26/07/2018 06:13:37
Chị Nguyễn Thị Bé Sáu, con gái Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Lê Thị Hảnh ở phường 11, TP.Cao Lãnh nói với tôi: “Chưa đến ngày giỗ của ba và anh hai, nhưng mấy ngày nay mẹ cứ nhắc chị chuẩn bị nếp gói bánh tét, mua thịt cá về kho. Năm nào gần đến ngày giỗ là chị thấy mẹ nói chuyện nhiều hơn, buồn cũng nhiều hơn”.
Thượng tá Võ Văn Tính trò chuyện với Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hảnh
27/7 hàng năm là ngày giỗ chồng và con của Mẹ VNAH Lê Thị Hảnh. Thấy hai lễ giỗ diễn ra cùng ngày, tôi tìm hiểu được mẹ cho biết: “Ổng và con hi sinh mấy ngày sau đơn vị mới hay và báo tin cho mẹ biết. Năm đó độ chừng vào ngày 24 hoặc 25/7 nên mẹ chọn ngày 27/7 làm lễ giỗ. Mẹ nghĩ cúng cùng ngày cho hai cha con đoàn tụ với nhau”. Nói đến đây, tôi thấy nước mắt mẹ lưng tròng, đang chực chờ rơi xuống. Những năm kháng chiến, mẹ cùng người anh trai lớn và em gái út tham gia nuôi giấu, tiếp tế lương thực, thuốc men cho cán bộ địa phương. Gặp và quen nhau trong những lần đi công tác, năm 1950, mẹ lập gia đình với ông Nguyễn Văn Phú, sinh năm 1922, là chiến sĩ đặc công thuộc Huyện đội Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong (nay là Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Năm 1957, ông Nguyễn Văn Phú hi sinh trong một trận đánh vào đồn địch. 10 năm sau, anh Nguyễn Văn Răng, con trai lớn của ông tham gia lực lượng du kích xã Tân An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong (nay là phường 11, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) trên đường đi công tác cũng hi sinh, khi đó anh vừa tròn 17 tuổi. Có sự trùng hợp là hai cha con ông Nguyễn Văn Phú đều hi sinh vào những ngày cuối tháng 7. Mẹ VNAH Lê Thị Hảnh nhớ lại: “Mẹ nghe đồng đội của chồng kể hôm đó ông cùng anh em đánh đồn. Địch phát hiện, hai bên nổ súng giằng co quyết liệt. Khi anh em rút về đơn vị, không thấy ổng đâu, chia nhau đi tìm, đến mấy ngày sau mới biết ổng hi sinh và mang xác đem về. Còn thằng Răng trên đường làm nhiệm vụ bị giặc phục kích bắn chết. Tội nghiệp nó lắm, ngày sau địa phương mới hay và cho mẹ biết. Nhưng mẹ không dám đến mang xác nó về, phải nhờ bà con lối xóm nhận đem đi chôn cất”.
Biết gia đình tham gia cách mạng, giặc truy tìm mẹ bắt bớ, mẹ mang con xuống ghe chèo chống đi buôn bán nhiều nơi đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng mới trở về nhà. Năm nay bước sang tuổi 87, Mẹ VNAH Lê Thị Hảnh có lúc nhớ, khi quên. Chị Nguyễn Thị Bé Sáu cho hay: “Những ngày tháng 7 chất chứa kỉ niệm khó quên nên đêm nào mẹ cũng thường thao thức. Ở nhà, làm việc gì chị cũng nhẹ tay, vì hễ nghe tiếng động lớn là bệnh tim làm cho mẹ mệt. Thấy thương mẹ lắm, chắc còn ám ảnh về những ngày bom rơi, đạn nổ nên mới vậy”.
Trong lúc đến thăm, tặng quà Mẹ VNAH Lê Thị Hảnh, Thượng tá Võ Văn Tính - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP.Cao Lãnh trò chuyện với tôi: “Nhận phụng dưỡng mẹ, và mỗi lần cơ quan đến thăm, tôi đều cử cán bộ trẻ đi cùng. Ngoài thăm hỏi sức khỏe mẹ, tôi muốn qua những câu chuyện kể về sự hi sinh của gia đình là bài học giúp cho anh em hiểu thêm về truyền thống quê hương, để ra sức học tập, công tác tốt hơn”.
THANH LẠC